Đồng Lách biệt lập trong lòng thị xã
Cách Khu công nghiệp Nghi Sơn chưa đầy 4km đường chim bay nhưng bản Đồng Lách, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) như là một thế giới khác biệt. Ở đó, chỉ có những cơn gió, ngày đêm đuổi nhau ràn rạt, chạy vòng quanh thung lũng và cả những giấc mơ mong manh, vượt dãy núi Răng Cưa của đám con trẻ...
Giấc mơ Đồng Lách
Ngân Thị Trà My, trú tại bản Đồng Lách, xã Tân Trường (học sinh lớp 7, trường THCS Tân Trường, thị xã Nghi Sơn) thức dậy khi trời còn mơ đất. Nó khoác thêm chiếc áo len dày sụ, bước ra phía bể nước trong cơn ngái ngủ mà cơ thể gầy nhẳng run lên vì lạnh. Dưới bếp, mẹ My cũng đã thức dậy nhen lửa, bắc chiếc chảo ám khói lên rán những lát bánh chưng còn sót lại sau Tết, chuẩn bị bữa sáng cho My đến lớp. Gió lạnh mang theo sương mù đặc quánh, thổi ù ù qua cánh cổng tre khép hờ.
![Một góc bản Đồng Lách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_113_51489701/0eade572c93c2062792d.jpg)
Một góc bản Đồng Lách.
Khi lên lớp 6, My bắt đầu phải làm quen với cảnh thức dậy từ 5 giờ sáng để xuống trung tâm xã đi học và trở về đến nhà khi trời đã nhá nhem tối. Đường từ nhà nó xuống đến trung tâm xã chỉ dài hơn 7km, nhưng trúc trắc như sợi dây rừng, nằm vắt qua dãy Răng Cưa là một thử thách ghê gớm đối với những đứa trẻ ở Đồng Lách. Không thể ngày ngày đưa đón con trên suốt quãng đường dài gần 20km, bố mẹ mua cho My xe đạp khá xinh xắn để động viên con đến lớp. Nhưng, suốt chặng đường từ bản xuống đến trường, nó chỉ đạp xe được khoảng 1,5km, còn lại là phải dắt bộ vì khi đi lên thì dốc cao quá, sức My không đủ để đạp rướn, còn khi xuống dốc thì xe cứ như cắm đầu mà lao giữa con đường gồ ghề sống trâu và lổn nhổn đá cuội. Thành ra nó lại phải vừa đi vừa dắt. Nhiều bữa về muộn, xe vô tình trở thành gánh nặng cho đôi chân em vì mệt và đói.
Tôi đứng chờ My và đám bạn đang lặc lè cặp sách, đẩy xe ngược dốc Lách khi trời đã quá trưa. Gió lạnh thổi thốc tháo làm bung những vạt áo ấm nhưng trên những khuôn mặt đỏ gay gắt, đứa nào cũng mồ hôi chảy bết hai hàng tóc mai. “Vất vả quá nhỉ!”- tôi cất lời chào làm quen với đám nhỏ, vài đứa lễ phép chào lại. “Bọn cháu quen rồi ạ!” - giọng My lí nhí. Suốt dọc quãng đường từ đỉnh dốc về bản, nó kể với tôi khá nhiều chuyện, nhưng có lẽ câu chuyện về giấc mơ mai này của em, khiến tôi day dứt mãi. My bảo: “Ở đây bọn cháu đi học vất vả lắm, nhiều bạn cùng trang lứa bỏ học giữa chừng. Chúng cháu ước sao có lớp học ngay ở bản, hoặc có một con đường bằng phẳng hơn. Nếu sau này cháu đậu đại học, khi học xong cháu muốn được làm cô giáo về dạy ở ngay bản của mình. Để các em không còn phải vất vả vượt đèo đi học như chúng cháu bây giờ”.
![Điểm trường xuống cấp tại Đồng Lách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_113_51489701/beab5a74763a9f64c62b.jpg)
Điểm trường xuống cấp tại Đồng Lách.
Hơn 1 năm trước, thầy giáo Lê Tiến Lường được luân chuyển lên điểm trường Đồng Lách. Cũng ngày 2 chiều đánh vật với cung đường đèo dốc, hơn ai hết, thầy thấu hiểu những nỗi cực nhọc của đám học trò ở đây phải đối mặt. Đông cũng như hè, cứ đúng 6 giờ sáng, thầy Lường lại nổ máy xe, rồ ga ngược dốc. Điểm trường chả cần trống, kẻng, cứ khi nào nghe tiếng xe máy của thầy kêu tồng tộc ở đầu con dốc dẫn vào, là lúc lũ trẻ lục tục kéo nhau vào lớp đúng giờ. Tôi đến khi điểm trường vừa tan giờ buổi sáng, hơn 40 em học sinh từ bậc mầm non đến lớp 5 xôn xao ùa ra cổng như bầy ong. Điểm trường có lẽ được xây dựng từ khá lâu nên các mảng tường đã bị tróc lở nham nhở, nhiều ô cửa kính bung vỡ, rêu phong.
Qua câu chuyện của thầy, tôi được biết: Hầu hết học sinh ở Đồng Lách đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Số học sinh đang theo học ở điểm trường của bản không nói làm gì nhưng với hơn 20 học sinh cấp hai đang theo học ở dưới trung tâm xã là cả một nỗ lực phi thường. “Học sinh ở đây chăm học và sáng dạ. Nhưng giao thông đi lại vất vả, kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cháu phải bỏ học giữa chừng”- thầy Lường nói.
Phía trước là ánh sáng
Từ trên triền dốc nhìn xuống, Đồng Lách nằm lọt thỏm giữa một thung lũng tương đối bằng phẳng, tứ bề là dãy núi Răng Cưa, dựng thành vách đá vôi xám ngắt bao vây, cô lập. Nhiều người cao niên trong bản kể: Xưa kia, khi những người Thái đen đầu tiên từ tỉnh Nghệ An và huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đặt chân đến, đây là một vùng thung lũng hoang vu, mọc đầy lau lách, đêm chỉ có tiếng chim lợn rúc ảo não và cả tiếng hổ gầm. Cái tên Đồng Lách có lẽ cũng từ đặc điểm này mà có. Những người tiên phong mở đất đã phát lau, chặt sậy, dựng nhà ven suối sinh sống và khai khẩn hình thành cánh đồng trải khắp thung lũng như ngày nay.
![Giao thông khó khăn, khiến các nông, lâm sản ở Đồng Lách không thể về xuôi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_113_51489701/ba875f5873169a48c307.jpg)
Giao thông khó khăn, khiến các nông, lâm sản ở Đồng Lách không thể về xuôi.
Khi bóng chiều đã loang trên cánh đồng, Trưởng bản Ngân Văn Cường đặt chai rượu ngâm nếp cẩm xuống mâm cơm khá giản tiện, rồi nói vui: “Mùa này, đêm ở đây lạnh lắm, chỉ có rượu mới có thể làm ấm bụng và có lẽ tiếp thêm dũng khí cho nhiều người tiếp tục gắn bó với mảnh đất đầy khắc nghiệt này”. Theo ông Cường, cả bản có 124 hộ dân với 560 nhân khẩu là đồng bào người Thái đen sinh sống. Hàng chục năm qua, đời sống của bà con vẫn chìm trong khó khăn, đói nghèo và lạc hậu. Tính đến cuối năm 2024, bản còn gần 20% tỉ lệ hộ nghèo, trong số đó có 16 hộ ở vào tình trạng đặc biệt khó khăn.
“Nếu nói Đồng Lách nghèo vì thiếu đất canh tác thì không đúng, vì bản có tới hơn 20ha đất trồng lúa nước, hơn 300ha đất rừng sản xuất. 2 năm trở lại đây, khi mưa thuận gió hòa, dân bản đã tự túc được lương thực, nhưng nếu thời tiết khắc nghiệt thì tình trạng đói nghèo lại tái diễn”- ông Cường nói, cho rằng: “Trước mắt bà con ở đây cần nhất là một con đường. Có đường lớn thì mọi hoạt động giao thương với thế giới bên ngoài được thông suốt, con em học hành đỡ vất vả. Tiếp đến nữa là hệ thống thủy lợi. Hiện nay toàn bộ diện trồng lúa nước phụ thuộc vào lượng nước tích trữ từ 3 hồ đập. Tuy nhiên, các hồ đập này do ở trên cao lại bị bồi lắng nên không thể tích nước dẫn đến người dân không thể tự chủ được lương thực. Giải quyết được 2 yếu tố mang tính then chốt này, tôi tin, đời sống của Đồng Lách sẽ sang một trang mới”.
Về câu chuyện của Đồng Lách, ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết: Những khó khăn của Đồng Lách đã quá rõ, nó bày ra hết. Điều đáng mừng là hiện nay một dự án làm đường giao thông từ trung tâm xã lên bản, với tổng mức đầu tư lên đến 70 tỷ đồng đã được Nhà nước phê duyệt và lựa chọn xong nhà thầu. Nếu không có gì thay đổi thì ngay trong đầu tháng 3/2025 sẽ được khởi công. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đồng ý và phê duyệt chủ trương xây mới điểm trường tại bản Đồng Lách, tạo điều kiện dạy và học tốt nhất cho con em của bản.
Cũng theo ông Hùng, vấn đề cần được sớm giải quyết nữa, đó là kinh phí để nạo vét 3 hồ đập thủy lợi tại Đồng Lách. “Chúng tôi đã làm việc và có ý kiến đề xuất với Ban Dân tộc của tỉnh về nguồn vốn đầu tư, hi vọng sẽ sớm nhận được sự quan tâm kịp thời. Đồng Lách chỉ thực sự thoát khỏi khó khăn, có thể tự chủ được lương thực và phục vụ chăn nuôi khi có nguồn nước ổn định”- ông Hùng khẳng định.
Vậy là lời giải cho Đồng Lách đã có. Nó như thứ ánh sáng mang theo nhiều hi vọng thay đổi đời sống đối với một vùng đất khó. Và tôi tin, đây sẽ là cứu cánh, góp phần biến những giấc mơ của những đứa trẻ như My trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.