Sóc Sơn đổi thay sau gần 15 năm xây dựng nông thôn mới

Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với tinh thần: Dù ngày mai lên quận thì hôm nay vẫn xây dựng nông thôn mới.

Đường liên thôn, liên xã và kênh mương ruộng đồng tại huyện Sóc Sơn - Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Đường liên thôn, liên xã và kênh mương ruộng đồng tại huyện Sóc Sơn - Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Nông thôn mới cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân

Sau chặng đường gần 15 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới đến nay, nhiều người không khỏi bất ngờ trước những đổi mới khi đến huyện Sóc Sơn bởi diện mạo ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống nhân dân được nâng cao.

Trong năm 2024, huyện Sóc Sơn phấn đấu có 8 xã về đích nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Vì vậy hiện nay các xã trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai và dồn lực để về đích với nhiều kết quả nổi bật.

Theo ông Phạm Văn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, với xuất phát điểm thấp từ không có xã nông thôn mới nào, đến năm 2020, Sóc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau hành trình gần 15 năm nỗ lực phấn đấu, Sóc Sơn đã thực sự chuyển mình với diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân được nâng cao. Tính đến nay toàn huyện đã có 11 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2023, huyện Sóc Sơn đã có 11 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị của huyện và các xã đã vào cuộc chỉ đạo, triển khai, phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Cùng với việc tiếp tục đưa các xã theo kế hoạch về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn rà soát các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Từng bước hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí để phấn đấu đưa huyện đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét vào năm 2025...

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 71,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,04%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 54%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt 99,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 93,8%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao.

Hiện tại, qua đánh giá các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đã có 5/9 tiêu chí cơ bản đạt (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, kinh tế, an ninh, trật tự-hành chính công).

Với tinh thần: 'Xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, dù ngày mai lên quận nhưng hôm nay vẫn phải xây dựng nông thôn mới", huyện Sóc Sơn đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để cho ra những trái ngọt.

Mới đây, xã Quang Tiến đã đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Xã luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và có ý nghĩa lớn đối với đời sống xã hội. Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới và 7 năm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Quang Tiến đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trong giai đoạn 2021-2025, xã đã dành hàng trăm tỷ đồng triển khai xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, trải nhựa và có điện chiếu sáng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 76 triệu đồng/năm; trên địa bàn xã không còn hộ nghèo; bộ mặt nông thôn mới của xã ngày càng khang trang, hiện đại.

Đối với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tự chọn, xã Quang Tiến đạt 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, sản xuất.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn xã đã được đầu tư các dự án như: Xây dựng mới một phần, nâng cấp, cải tạo 3 trường (Tiểu học, Mầm non, THCS); xây dựng mới trạm y tế xã; nâng cấp, cải tạo trụ sở xã; xây dựng mới trụ sở làm việc của BCH Quân sự, Công an xã; nâng cấp, cải tạo 06 nhà văn hóa của 6/6 thôn đạt danh hiệu: "Làng văn hóa"; 97,4% người dân tham gia BHYT; thu nhập bình quân đạt 76,03 triệu đồng/người/năm.

HTX Dược liệu Hòa Phát, huyện Sóc Sơn chuyên trồng sen và các sản phẩm từ sen - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

HTX Dược liệu Hòa Phát, huyện Sóc Sơn chuyên trồng sen và các sản phẩm từ sen - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả

Tương tự tại xã Mai Đình, vừa qua cũng vinh dự đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Theo Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Thị Thanh Huyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tháng 2 năm nay xã Mai Đình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tiếp nối thành quả, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Mai Đình tiếp tục huy động nguồn lực để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí, đặc biệt là 2 tiêu chí đăng ký kiểu mẫu (văn hóa và y tế). Ngày 12/8, xã Mai Đình được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy, UBND xã Mai Đình quan tâm, chú trọng. Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, toàn xã đã huy động được hơn 803 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Qua đó đã giúp cho đời sống người dân xã Mai Đình không ngừng được cải thiện. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân đạt gần 76 triệu đồng/năm, tăng 1,58 lần so với năm 2014. Chất lượng y tế, giáo dục được chú trọng, đời sống văn hóa có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm…

Thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là trong phát triển nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện có 24 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, nổi bật như: Nấm công nghệ cao, gà vi sinh Minh Phú, dược liệu Bắc Sơn, Xuân Giang, chè an toàn Bắc Sơn, trứng gà Tùng Dương, rau công nghệ cao Mai Đình, Phú Cường, rau hữu cơ Thanh Xuân...

Huyện đã có 21 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế, phù hợp với thực tế của địa phương. Sóc Sơn còn phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm nông nghiệp, ngoài ra còn có hơn10 thương hiệu hàng nông sản do hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất và hơn 100 sản chủng loại sản phẩm được truy xuất nguồn gốc QR Code.

Không chỉ vậy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, rau hữu cơ. Bên cạnh đó, còn có các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết đem lại hiệu quả thiết thực. Trên địa bàn huyện hiện có 125 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong xây dựng nông thôn mới huyện Sóc Sơn đã triển khai rất bài bản, quyết liệt, đồng bộ và đã đạt được những kết quả rõ nét. Đặc biệt, các xã vừa được công nhận nông thôn mới nâng cao và chỉ sau 5 - 6 tháng đã tiếp tục đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đây chính là bước tiến ấn tượng của Sóc Sơn, quả ngọt này có được chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chính quyền cũng như sự vào cuộc, nhất trí đồng lòng của toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/du-ngay-mai-len-quan-hom-nay-van-xay-dung-nong-thon-moi-102241115182325083.htm
Zalo