Những nguy hại của trào lưu xé túi mù

Trào lưu xé túi mù tạo ra nhiều hệ lụy như gánh nặng cho môi trường khi gia tăng rác thải nhựa, tác động xấu đến tâm lý giới trẻ, gây cảm giác thất vọng và thói quen tiêu dùng bốc đồng...

Trào lưu xé túi mù nở rộ

Thời gian gần đây, "túi mù" hay "hộp mù" đang gây sốt trên mạng xã hội. Sản phẩm phổ biến hiện nay thường là những con vật đồ chơi bằng nhựa, có hình thú vị, đáng yêu với giá thành rẻ.

"Túi mù" là cách gọi những món đồ chơi đa dạng trong các túi nhỏ riêng biệt. Người mua không biết được mình sẽ sở hữu món đồ chơi nào cho đến khi xé túi. Các loại "túi mù" phổ biến có kích thước dao động 1-3,5cm, chia thành nhiều chủ đề như con vật, trái cây cách điệu hay các nhân vật hoạt hình với nhiều màu sắc khác nhau.

Từ những chiếc hộp bí ẩn đến các gói hàng nhỏ xinh, trào lưu "túi mù" đang trở thành một hiện tượng toàn cầu. Trào lưu xé "túi mù" mang lại cảm giác thư giãn, giải trí, nhưng cũng đi kèm nhiều hệ lụy tiêu cực.

Trào lưu xé túi mù gây nhiều hệ lụy về tâm lý và môi trường.

Trào lưu xé túi mù gây nhiều hệ lụy về tâm lý và môi trường.

Trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt video bóc "túi mù" thu hút hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, giới trẻ Gen Z và Gen Alpha đang dành rất nhiều thời gian để xem và theo dõi những đoạn video này, thể hiện sự tò mò và thích thú với hình thức giải trí mới lạ.

Thị trường "túi mù" đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng doanh thu ước tính lên đến 4,6 tỷ đồng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Theo thống kê từ Metric, gần 170.000 sản phẩm đã được bán ra, đặc biệt tăng trưởng vượt bậc trong tháng 9. Với mức giá phải chăng, dao động từ 10.000 - 50.000 đồng, sản phẩm này đã nhanh chóng trở thành "cơn sốt" tiêu dùng mới.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này bày bán hơn 2.000 sản phẩm "túi mù" hay "hộp mù" đăng tải trên tài khoản Facebook "Thúy Hòa". Toàn bộ nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm đối với hàng hóa.

Có những túi mù đến từ các hãng đồ chơi nổi tiếng có giá lên tới tiền triệu cũng được người đam mê không tiếc đổ vào. Ví dụ Skullpanda của hãng Popmart, hay bộ sưu tập Labubu cũng của hãng đồ chơi này có giá từ khoảng 300.000 đồng cho đến 21 triệu đồng/hộp và luôn là món đồ được tín đồ Blind box săn đón ở mọi phân khúc.

Trịnh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để săn mua món đồ chơi bí ẩn trong những chiếc hộp nhỏ. Theo Đức, mỗi lần mở một chiếc túi mù, anh lại cảm thấy như mình đang khám phá kho báu được giấu kín, có cảm giác hồi hộp khi từ từ lột lớp giấy gói bên ngoài cho đến khi nhìn thấy món đồ bên trong.

Tác hại nhiều mặt của túi mù

Xé túi mù không chỉ làm tăng lượng bao bì thải ra môi trường mà còn khuyến khích lối sống tiêu dùng nhanh, thiếu cân nhắc. Nhiều sản phẩm bên trong túi mù là các món đồ nhỏ, không thực sự cần thiết, dễ hỏng hoặc bị bỏ quên sau khi mua. Điều này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên, khi người tiêu dùng không giữ lại hoặc không sử dụng sản phẩm trong thời gian dài.

ThS Trần Công Thành, Giảng viên khoa Môi trường của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), trào lưu xé túi mù có thể mang lại niềm vui và cảm giác mới lạ cho người tiêu dùng, tuy nhiên, các bạn trẻ cần cân nhắc hành động tiêu khiển này đối với môi trường.

"Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về quản lý rác thải nhựa. Bởi sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và quy trình quản lý rác thải nhựa là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nhựa và các vấn đề môi trường khác. Nếu được, chúng ta cần ưu tiên dùng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường", ThS Trần Công Thành gợi ý.

"Về xã hội, tôi thấy những trào lưu tương tự sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng bền vững khi chúng ta có xu hướng mua những thứ mình muốn nhiều hơn là những thứ mình cần, chúng ta mua vì cảm xúc nhất thời hơn là vì nhu cầu thiết yếu. Điều này cũng dẫn đến việc gia tăng rác thải nhựa gây tổn hại đến môi trường do phần lớn các nguyên liệu làm túi mù, hộp mù mà tôi thấy đều từ nhựa. Đặc biệt nếu những sản phẩm đó không được sử dụng một cách có ích lâu dài thì sẽ gây lãng phí tài nguyên", ThS tâm lý Đinh Văn Thịnh nói.

Ngoài ra, ThS tâm lý Đinh Văn Thịnh cho rằng, tác hại của trào lưu xé túi mù tạo cảm giác thất vọng và hụt hẫng cũng là điều dễ xảy ra khi không mở được món đồ mình mong muốn, hoặc không được trúng quà. Điều này có thể khiến người chơi cảm thấy buồn chán, gây ra những cảm xúc tiêu cực khác. Hoặc thậm chí, họ sẽ cố gắng mua thật nhiều túi mù để tăng cơ hội được trúng những món quà, hay món đồ mình yêu thích.

Việc chơi "túi mù" còn tạo ra thói quen tiêu dùng bốc đồng. Người chơi thường khó kiểm soát bản thân trước những sản phẩm mới, hấp dẫn, dẫn đến việc chi tiêu một cách lãng phí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế, khi những sản phẩm đồ chơi trong túi mù cũng chỉ để trưng bày, không phục vụ được những mục đích quan trọng hơn khác.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là sự xuất hiện của hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường "túi mù". Với mức giá rẻ, đa phần túi mù đều được sản xuất tại Trung Quốc, với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng cơ hội này để sản xuất hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, gây tổn hại cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm giảm niềm vui khi chơi "túi mù" mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-nguy-hai-cua-trao-luu-xe-tui-mu-169241203082856851.htm
Zalo