'Quả ngọt' trong xây dựng nông thôn mới
Những vùng quê ở Long An đang có những đổi thay toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Kết quả đó là nhờ tỉnh khơi thông mọi nguồn lực đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Khi người dân đồng thuận
Sau 13 năm bắt tay XDNTM, xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng từ một xã nghèo đã vươn lên xã NTM nâng cao.
Theo lãnh đạo UBND xã Khánh Hưng, điểm nổi bật trong quá trình XDNTM, NTM nâng cao ở xã là việc huy động sức dân trong thực hiện chương trình, rõ nét nhất là người dân tham gia hiến đất, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. 13 năm qua, xã huy động người dân hiến đất xây dựng các công trình như giao thông, thủy lợi, bêtông vỉa hè cụm, tuyến dân cư,... với tổng số tiền hơn 57 tỉ đồng.
Để nâng chất các tiêu chí (TC) của xã NTM nâng cao, xã đang thực hiện mô hình Sáng, xanh, sạch, đẹp, thanh bình. Để thực hiện đạt TC này, xã duy trì các mô hình dân vận khéo, vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.
Trong đó, các tổ chức, cá nhân, mà nòng cốt là UBMTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội góp phần cho xã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Cảnh quan của xã ngày càng xanh, sạch, đẹp, góp phần đạt chuẩn, nâng chất TC môi trường theo TC NTM nâng cao.
Chị Hồ Thị Phượng Hằng (ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng) chia sẻ: “Hiểu và đồng thuận với chính quyền địa phương, tôi tham gia nhiều mô hình để nâng chất các TC XDNTM, NTM nâng cao. Ngoài chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, tôi nhận chăm sóc một số tuyến đường hoa gần nhà. Tôi còn hướng dẫn người thân, phụ nữ gần nhà sử dụng nước sạch; cách làm nhà tiêu, nhà tắm, chuồng trại hợp vệ sinh; cách chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn;...”.
Trong quá trình XDNTM, huyện Cần Giuộc đạt nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực sản xuất. Đó là triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 02/11/2020 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020-2025.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giuộc, huyện có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả hơn so với canh tác truyền thống. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, chất lượng sản phẩm ổn định và tốt hơn, hạn chế được một số rủi ro do thời tiết gây ra.
Năm 2024, nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM trên địa bàn huyện Cần Giuộc 34,7 tỉ đồng, huy động từ cộng đồng và người dân hơn 3,7 tỉ đồng. Nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, sử dụng một cách công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả khi đầu tư các công trình cầu, đường, mạng lưới điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế,... Huyện không có nợ đọng trong xây dựng các công trình cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM.
Nông thôn mới - Sức sống mới
XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 134/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 83,23%; 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 30,6% tổng số xã đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM: Tân Thạnh, Cần Giuộc và Vĩnh Hưng; 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Tân Trụ) năm 2024 và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (huyện Châu Thành); 9 xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Thanh Đông cho biết: Tỉnh quyết tâm đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành/vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; ít nhất có 136 xã đạt chuẩn NTM (do địa phương phấn đấu nên dự kiến là 143 xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2024); 52 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
“Từ nay đến cuối năm 2024, chúng ta chỉ còn thời gian rất ngắn, vì vậy, mọi công việc bây giờ hết sức quan trọng, khẩn trương. Tuy nhiên, chúng ta phải tranh thủ thời gian hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, quyết định công nhận nhưng XDNTM tại tỉnh phải thực chất, không chạy theo thành tích” - ông Lê Thanh Đông nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm 2024, Sở chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá hàng tuần để kịp thời phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở các TC chưa hoàn thiện tại các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến, thẩm định cũng như đề nghị ban hành quyết định công nhận. Đồng thời, Sở phối hợp
Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ xây dựng huyện NTM của 3 huyện: Cần Giuộc, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh và 2 huyện NTM nâng cao: Châu Thành năm 2023, Tân Trụ năm 2024.
Song song đó, Sở tham mưu chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm duy trì, giữ vững và nâng cao việc thực hiện các TC đã đạt; đồng thời, chú trọng đến các nội dung TC NTM để hướng đến NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xa hơn là NTM thông minh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM năm 2025 theo hướng quyết tâm thực hiện đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến năm 2025, tỉnh công nhận thêm: 3 huyện NTM (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước), nâng tổng số huyện NTM lên 10 đơn vị, đạt 100% chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025; 5 xã NTM, nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh đến cuối năm 2025 là 147 xã, đạt 103,5%; 8 xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã NTM nâng cao toàn tỉnh đến cuối năm 2025 là 61 xã, đạt 107%; 7 xã NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn tỉnh đến cuối năm 2025 lên 15 xã, vượt 4 xã so với kế hoạch.
Riêng đối với công nhận 1 huyện NTM kiểu mẫu, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu này sang giai đoạn 2026-2030 với lý do giai đoạn 2021-2025, Trung ương chưa có hướng dẫn Bộ TC NTM kiểu mẫu để thực hiện.
Ngoài ra, Sở tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ, chủ động hơn trong việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024; căn cứ phân bổ của Trung ương, tỉnh tham mưu phân bổ nguồn vốn này và nguồn sự nghiệp năm 2025 cho các sở, ngành, địa phương liên quan.
“Quả ngọt” trong XDNTM vẫn đang được người dân khu vực nông thôn “gặt hái” từng ngày. Đó là một quá trình phấn đấu hàng chục năm qua và tin tưởng trong những năm tới, những thành quả đáng tự hào đó tiếp tục song hành với người dân khu vực nông thôn./.