Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kích hoạt 'Tháng tự học ngoại ngữ' năm 2025
'Tháng tự học ngoại ngữ' của Hà Nội diễn ra từ hôm nay đến ngày 20/3 nhằm khuyến khích học sinh nâng cao khả năng tự học, phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kích thức kích hoạt "Tháng tự học ngoại ngữ" năm 2025. (Ảnh: Sở GD-ĐT Hà Nội)
Hôm nay, 20/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kích hoạt “Tháng tự học ngoại ngữ” năm 2025. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 500 điểm cầu trên toàn thành phố, có sự tham gia của hơn 7.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Theo đó, “Tháng tự học ngoại ngữ” của Hà Nội diễn ra từ hôm nay đến ngày 20/3, nhằm khuyến khích học sinh nâng cao khả năng tự học, phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, "Tháng tự học ngoại ngữ" là một trong những nội dung thiết thực của ngành giáo dục Thủ đô để tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học đồng thời hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ" đến tất cả học sinh, giáo viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Từ đó đến nay, trên nền tảng học trực tuyến FSEL đã có hơn 615.000 người đăng ký tham gia, bao gồm hơn 593.000 học sinh và gần 22.000 giáo viên. Trong đó, số tài khoản đã hoàn thành xác nhận là gần 615.000, đạt 100% số lượng người đăng ký; số tài khoản đã và đang hoàn thành bài đánh giá năng lực tiếng Anh là hơn 515.000, đạt gần 84% trên số tài khoản đã hoàn thành xác nhận.
Đánh giá cao sự thiết thực của “Tháng tự học ngoại ngữ” do Hà Nội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đây là hoạt động cần thiết bởi ngoại ngữ là công cụ để hội nhập thế giới, cũng là giải pháp cụ thể để thực hiện Kết luận số 91-KL/TW về việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc tự học ngoại ngữ nói chung và học tiếng Anh nói riêng sẽ giúp các học sinh tự tin, bản lĩnh hơn trong học tập và cuộc sống. “Tự học không có nghĩa là một mình, tự học có nghĩa là tự xác định được mục tiêu, không gian, thời gian, tài liệu, giáo trình. Việc tự học của các em hiện nay cũng thuận lợi hơn rất nhiều khi luôn nhận được sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo và ứng dụng công nghệ thông tin, có định hướng, có triển khai và có kiểm tra, đánh giá”, Thứ trưởng nhận định.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị nhân rộng, phổ biến mô hình này trên toàn quốc, áp dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương, hướng tới xây dựng xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời./.