Số 5 Châu Văn Liêm: Nơi khởi nguồn tinh thần doanh nhân yêu nước (Bài 1)
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn giới thiệu ngôi nhà lịch sử - Số 5 Châu Văn Liêm. Qua hai bài viết, độc giả sẽ cùng nhìn lại di tích lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu trú trước ngày ra đi tìm đường cứu nước, và hồi tưởng tinh thần phụng sự quốc gia từ Thương hội Liên Thành đầu thế kỷ XX đến lớp doanh nhân TP.HCM hôm nay, những người âm thầm viết tiếp khát vọng dựng nước bằng con đường khởi nghiệp và trách nhiệm xã hội.
Từ nơi Người ở lại… đến nơi Người ra đi
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, trước kia thuộc đường Quai Testard, từng là nơi Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc trong suốt chín tháng năm 1910 - 1911. Tại đây, Người làm bồi bàn trên tàu thủy của hãng Messageries Maritimes để tích lũy chi phí, chờ cơ hội lên đường ra nước ngoài.
Ngày 5/6/1911, từ cảng Nhà Rồng, Người lên tàu Latouche-Tréville bắt đầu hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước. Từ đó, căn nhà nhỏ nơi phố Hoa mang dấu ấn đặc biệt: nơi Người rời đi vì đại nghĩa cũng là nơi tinh thần khai phóng khởi nghiệp đầu tiên được ươm mầm.

Viên chức, người lao động Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đến thăm nơi Bác Hồ ở 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước
Dấu ấn của giới công thương yêu nước đầu thế kỷ XX
Đầu thế kỷ 20, tại Nam Kỳ, tinh thần Duy Tân bừng nở không chỉ trong giới nho sĩ mà lan rộng đến tầng lớp doanh nhân, trí thức, nhà giàu. Một trong những biểu tượng nổi bật nhất là Thương hội Liên Thành - tổ chức thương mại ra đời từ chính khát vọng chấn hưng dân tộc thông qua con đường kinh tế.
Được thành lập năm 1906 tại Bình Thuận, bởi những nhà khai sáng như Nguyễn Trọng Lội, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Thương hội Liên Thành hoạt động với lý tưởng: “Kinh doanh để phụng sự quốc gia”. Với sản phẩm chủ lực là nước mắm truyền thống, hội đã gây quỹ cho các phong trào yêu nước, xây dựng trường học, hỗ trợ du học sinh Việt sang Nhật Bản, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Mối dây tinh thần ấy đã lan tới Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi có cộng đồng người Việt - Hoa - Khmer buôn bán sầm uất. Và trong chính dòng chảy lịch sử đó, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm không chỉ là nơi Người ở trọ, mà còn là biểu tượng của một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ: từ yêu nước bằng tư tưởng sang yêu nước bằng hành động thực tiễn, thông qua con đường doanh thương.
Gợi mở một “không gian doanh nhân yêu nước”
Được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1988, căn nhà 5 Châu Văn Liêm hiện do UBND Quận 5 quản lý và được đưa vào tour “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn” dành cho du khách, sinh viên, học sinh và các đoàn thể đến tìm hiểu.

Bên trong căn nhà số 5 Châu Văn Liêm trưng bày một số hình ảnh liên quan đến Công ty Liên Thành, hình ảnh về Sài Gòn thời kỳ 1910 - 1911
Không gian nhỏ, với lối kiến trúc Pháp cũ, những cầu thang gỗ, nền gạch gốm và mái ngói âm dương, chính là trạm dừng lặng lẽ của lịch sử, nơi các thế hệ sau được nhắc nhớ rằng: tinh thần khai sáng, dấn thân và yêu nước không chỉ có trong sách vở, mà từng hiện hữu giữa lòng thành phố này.
Trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, truyền thống khởi nghiệp quốc gia và phát triển kinh tế tri thức, việc biến số 5 Châu Văn Liêm thành một không gian giáo dục, tri ân và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân là một đề xuất xứng đáng cần được cân nhắc. Tại sao không để nơi này trở thành một địa chỉ đỏ trong hành trình trưởng thành của thế hệ doanh nhân thời hội nhập?
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm là minh chứng rằng: Doanh nhân yêu nước không phải là khái niệm mới, mà là truyền thống.
Những người buôn bán, làm nước mắm, dệt vải, mở xưởng... từ đầu thế kỷ XX đã chọn cách khởi nghiệp không chỉ để làm giàu, mà để kiến thiết dân tộc. Ngày hôm nay, tinh thần ấy đang cần được đánh thức trở lại, giữa những lựa chọn giữa lợi nhuận và đạo đức, giữa tốc độ tăng trưởng và chiều sâu giá trị.