Sinh viên trước nguy cơ sập 'bẫy' việc nhẹ lương cao

Trong thời đại công nghệ số, các hình thức lừa đảo tuyển dụng đang ngày càng tinh vi, lợi dụng tâm lý thiếu kinh nghiệm và nhu cầu kiếm việc làm thêm của nhiều bạn trẻ. 'Việc nhẹ, lương cao' với những lời hứa ngọt ngào như 'kiếm tiền dễ dàng', 'nhận lương ngay lập tức' trở thành miếng mồi ngon để các đối tượng lừa đảo giăng bẫy. Đặc biệt, sinh viên – nhóm đối tượng mong muốn có thu nhập thêm để trang trải cuộc sống thường dễ dàng rơi vào các chiêu trò này.

Nhiều chiêu trò tinh vi

Nguyễn Quang Huy, hiện đang là sinh viên năm hai ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường đại học ở Hà Nội, từng hy vọng tìm được công việc làm thêm trực tuyến phù hợp với lịch học. Trong một lần lướt mạng xã hội, Huy vô tình bị thu hút bởi lời mời gọi hấp dẫn từ một bài đăng tuyển dụng: “Gói hàng tại nhà, thu nhập 5-8 triệu đồng/tháng. Thời gian linh hoạt, không yêu cầu kinh nghiệm ứng viên”.

Những cuộc gọi trong vô vọng của Quang Huy với đối tượng lừa đảo. (Ảnh: NVCC)

Những cuộc gọi trong vô vọng của Quang Huy với đối tượng lừa đảo. (Ảnh: NVCC)

“Công việc nghe rất hợp lý với sinh viên như mình, vừa không phải di chuyển, vừa có thể làm bất cứ khi nào rảnh. Để nhận dụng cụ làm việc, họ yêu cầu mình chuyển trước 2 triệu đồng tiền cọc để đảm bảo trách nhiệm,” Huy kể lại.

Nhiều sinh viên lao đao vì lừa đảo online. (Ảnh minh họa bởi AI)

Nhiều sinh viên lao đao vì lừa đảo online. (Ảnh minh họa bởi AI)

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, mọi liên lạc với bên tuyển dụng đều bị cắt đứt. “Mình đã mất số tiền đó và nhận ra rằng đây là một hình thức lừa đảo. Điều này không chỉ khiến mình mất tiền mà còn gây cảm giác bất an, lo lắng mỗi khi tìm việc làm thêm sau này,” Huy chia sẻ với sự tiếc nuối.

Câu chuyện của Huy không phải trường hợp duy nhất. Minh Anh, sinh viên ngành Công nghệ Thông tin tại một trường Đại học ở TP.HCM, từng là nạn nhân của một mô hình lừa đảo khác: thanh toán hộ đơn hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.

“Ban đầu, họ yêu cầu mình ứng trước các đơn hàng nhỏ, mỗi đơn chỉ 100.000 - 200.000 đồng và trả cả vốn lẫn "hoa hồng" đầy đủ. Thấy công việc dễ dàng quá, mình dần tin tưởng và nhận các đơn lớn hơn, lên tới vài triệu đồng. Khi tổng số tiền ứng trước đạt 6 triệu, họ đột ngột chặn liên lạc. Toàn bộ số tiền mình tiết kiệm được coi như mất trắng,” Minh Anh chia sẻ trong sự thất vọng.

Đoạn tin nhắn lừa đảo của bên tuyển dụng gửi Minh Anh. (Ảnh: NVCC)

Đoạn tin nhắn lừa đảo của bên tuyển dụng gửi Minh Anh. (Ảnh: NVCC)

“Mình không thể tin vào mắt mình khi phát hiện ra số tiền mà mình dành dụm suốt mấy tháng trời đã biến mất chỉ trong tích tắc. Đối tượng lừa đảo chặn hết các số điện thoại, tin nhắn và cả tài khoản mạng xã hội của mình. Lúc đó, mình như rơi vào trạng thái bế tắc,” Minh Anh nói trong sự bàng hoàng.

Câu chuyện như của Quang Huy và Minh Anh chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy “việc nhẹ lương cao”. Rõ ràng, những hình thức tuyển dụng lừa đảo này đang ngày càng trở nên tinh vi, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhanh, thu nhập cao và ít tốn công sức của sinh viên.

Xây dựng “hệ miễn dịch” chống lừa đảo

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Hà Nội, thị trường lao động quý 3 năm 2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước đó, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 2,61%.

Qua khảo sát hơn 19.400 lượt doanh nghiệp, hơn 71.700 chỗ làm việc cho thấy nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, với gần 53.000 chỗ làm việc, chiếm 73,66% (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu lớn như vậy, nhiều sinh viên lại dễ dàng sa vào cạm bẫy, lừa đảo online.

Theo Luật sư Đường Nam Khánh (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi yêu cầu ứng viên chuyển tiền để được nhận việc là vi phạm pháp luật. Luật sư giải thích: “Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, các cá nhân hoặc tổ chức tuyển dụng không được phép thu tiền của người lao động trong quá trình ứng tuyển.”

Luật sư Đường Nam Khánh cho biết theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, các cá nhân hoặc tổ chức tuyển dụng không được phép thu tiền của người lao động trong quá trình ứng tuyển. (Ảnh: NVCC)

Luật sư Đường Nam Khánh cho biết theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, các cá nhân hoặc tổ chức tuyển dụng không được phép thu tiền của người lao động trong quá trình ứng tuyển. (Ảnh: NVCC)

"Các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Mức phạt đối với cá nhân là từ 1 đến 3 triệu đồng, còn với tổ chức có thể lên tới 6 triệu đồng. Đối với các hành vi nghiêm trọng hơn, nếu số tiền lừa đảo lớn, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, và có thể cao hơn nếu số tiền chiếm đoạt lớn", ông nêu rõ.

Luật sư cũng lưu ý, khi phát hiện mình là nạn nhân, sinh viên hoặc ứng viên cần ngay lập tức trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý.

"Các bạn có thể đến công an xã, phường, quận, huyện hoặc gọi đến đường dây nóng về an ninh mạng. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn ngăn chặn hành vi lừa đảo tái diễn," ông nói.

Để tránh rơi vào bẫy tuyển dụng, lừa đảo việc làm qua internet, Luật sư khuyến cáo ứng viên cần tìm kiếm việc làm qua các kênh uy tín hoặc thông qua sự giới thiệu của người đáng tin cậy. Khi muốn làm việc trực tuyến, ứng viên cần kiểm tra kỹ thông tin nhà tuyển dụng, ưu tiên những nơi có trụ sở, văn phòng rõ ràng, và đến trực tiếp phỏng vấn.

“Ngay cả khi các bạn nhận việc từ xa sau này, việc đến gặp trực tiếp để xác minh vẫn rất cần thiết,” ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, Luật sư khuyên rằng, thay vì tìm kiếm những công việc dễ dàng, hứa hẹn “không mất phí”, sinh viên nên tập trung trau dồi kiến thức và kỹ năng.

“Không có bữa tiệc nào miễn phí. Những lời mời gọi công việc quá dễ dàng thường chỉ là lừa đảo,” ông cảnh báo, đồng thời khuyến khích các bạn trẻ nâng cao cảnh giác và chọn lọc thông tin khi tìm kiếm cơ hội việc làm qua mạng.

TS. Trần Kim Liễu, Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, cho rằng sinh viên cần thận trọng khi chọn công việc. Bà nhấn mạnh: “Trước khi quyết định, các bạn nên khảo sát kỹ lưỡng thị trường lao động và chọn những nhà tuyển dụng uy tín. Đối với những đơn vị chưa có nhiều thông tin, sự minh bạch của nhà tuyển dụng cần được ưu tiên hàng đầu."

Bà cũng lưu ý thêm: "Sinh viên cần tìm hiểu rõ các vấn đề như tiền lương, thưởng, phụ cấp, hợp đồng lao động và chế độ bảo hiểm. Đây là những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu rủi ro khi làm việc."

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-truoc-nguy-co-sap-bay-viec-nhe-luong-cao-post1699435.tpo
Zalo