Sinh viên quốc tế tại Harvard thấp thỏm vì lệnh cấm từ chính quyền ông Trump
Nhiều sinh viên quốc tế tại trường ĐH Harvard lo lắng lệnh cấm tuyển sinh sinh viên quốc tế sẽ không chỉ làm gián đoạn quá trình học tập mà còn ảnh hưởng đến tương lai của họ và trường sau này.
Ngày 22-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của trường ĐH Harvard.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump còn yêu cầu các sinh viên quốc tế đang theo học tại trường ĐH Harvard phải chuyển sang trường khác nếu không muốn mất tình trạng lưu trú hợp pháp, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp tương tự đối với các trường ĐH khác.
Đáp lại, ngày 23-5, ĐH Harvard nộp đơn kiện lên tòa án liên bang nhằm phản đối quyết định của chính quyền Mỹ. Sau đơn kiện, một thẩm phán liên bang đã tạm thời dừng lệnh cấm của chính quyền ông Trump, theo đài CNN.
Tuy nhiên, hàng ngàn sinh viên quốc tế vẫn trong trạng thái thấp thỏm "cực kỳ sợ hãi".
“Họ là những thanh thiếu niên cách xa quê hương hàng nghìn dặm và phải đối mặt lệnh cấm. Các luật sư cũng thường ngại hỗ trợ những tình huống này” – anh Abdullah Shahid Sial, đồng chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Harvard, cho biết.

Khuôn viên ĐH Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) hôm 16-4. Ảnh: BLOOMBERG
Giữa tâm bão
Khoảng 27% người học tại trường ĐH Harvard là sinh viên quốc tế, với 6.793 sinh viên đại học và sau đại học từ hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Harvard là Harvard vì trường có khả năng thu hút mọi người – những người giỏi nhất – từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ riêng Mỹ. Mỹ cũng được hưởng lợi rất nhiều khi những người giỏi nhất thế giới đến đây học tập. Và sau đó họ bị coi thường và thiếu tôn trọng” – anh Sial nói.
Các nhà quản trị của ĐH Harvard và chính quyền ông Trump đã bất đồng quan điểm trong nhiều tháng, khi chính quyền yêu cầu trường ĐH này thay đổi chương trình, chính sách, tuyển dụng và tuyển sinh để loại bỏ những gì Nhà Trắng gọi là chủ nghĩa bài Do Thái và các hoạt động "phân biệt chủng tộc".
Giống như nhiều trường ĐH khác ở Mỹ, Harvard đã phải hứng chỉ trích dữ dội từ chính phủ vào năm 2024 vì cách xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra. Nhiều cựu sinh viên Do Thái cũng khiếu nại ĐH Harvard về sự hiện diện của chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường.
Phía ĐH Harvard đã thừa nhận có xuất hiện chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường, đặc biệt là trong năm học 2023-2024 và cho biết trường đã bắt đầu có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Dù vậy, nhiều sinh viên Israel vẫn ủng hộ trường.
Một học viên nghiên cứu sau tiến sĩ người Israel (đề nghị không nêu tên) đang theo học tại trường ĐH Harvard nói với đài CNN rằng cô cảm thấy sinh viên Do Thái "bị lợi dụng như quân cờ". Cô cho biết chính quyền đang bất đồng với những ý tưởng "không phải lúc nào cũng phù hợp với chính quyền, thay vì quan tâm thực sự đến sự an toàn của sinh viên Do Thái, sinh viên Israel".
“Vì vậy, tôi cảm thấy như chúng tôi đang bị lợi dụng. Tôi không muốn hạ thấp trải nghiệm của bất kỳ ai tại trường ĐH. Tôi biết mọi người đã có những trải nghiệm khó khăn, nhưng cá nhân tôi cảm thấy mình hoàn toàn tin tưởng vào ban lãnh đạo ĐH Harvard của chúng tôi” – cô nói.
Anh Sial cho biết trường ĐH và các khoa đã hỗ trợ sinh viên quốc tế trong thời điểm bất ổn và “hoảng loạn thực sự” này. Điều này thực sự nhạy cảm khi nó xảy ra chỉ vài ngày sau khi kỳ thi cuối kỳ và chỉ 1 tuần trước lễ tốt nghiệp.

Các vật biểu trưng của trường ĐH Harvard được bày bán tại một cửa hàng ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ). Ảnh: BLOOMBERG
Với tư cách là chủ tịch hội sinh viên, anh Sial cho biết anh đang nỗ lực thúc đẩy trường ĐH Harvard hỗ trợ sinh viên quốc tế muốn chuyển sang các trường khác và thúc đẩy các gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên chuyển trường. Tuy nhiên, theo anh, thời hạn chuyển sang hầu hết trường ĐH khác để bắt đầu học kỳ thu đã đóng tại.
“Harvard sẽ không còn như xưa”
Anh Karl Molden là sinh viên năm ba từ Áo. Anh đang đi du lịch khỏi Mỹ và lo ngại sẽ không được phép trở lại trường.
"Nhiều người trong chúng tôi đã làm việc cả đời để vào được một trường ĐH như Harvard, và bây giờ chúng tôi cần phải chờ xem liệu chúng tôi có phải chuyển đi và gặp khó khăn về thị thực hay không" – anh Molden nói.
Trong khi đó, anh Jared – 18 tuổi, người New Zealand – vừa được trường ĐH Harvard chấp nhận và đã có kế hoạch bắt đầu kỳ học vào mùa thu năm nay. Anh cho biết đã “thót tim” khi hay thông báo của chính quyền ông Trump, trong khi anh đang nộp đơn xin thị thực du học và chuẩn bị chuyển đến Mỹ.
Giữa tâm bão bất đồng giữa chính quyền Mỹ và trường ĐH Harvard, nhiều sinh viên cho biết tình hình hiện tại sẽ khiến các nhà nghiên cứu trẻ rời nước Mỹ.
“Là một học viên sau đại học, chúng tôi chỉ bận rộn với công việc nghiên cứu của mình. Tôi cho là mình dành 80 đến 100 giờ/tuần để nghiên cứu. Nếu mọi chuyện thực sự trở nên tồi tệ, có lẽ tôi sẽ cố gắng chuyển đến một trường ở Anh” – một học viên người Úc nói.

Sinh viên trường ĐH Harvard tại một cuộc diễu hành ủng hộ quyền tự do hôm 29-4. Ảnh: GETTY IMAGES
Các sinh viên khác cho biết họ cũng cảm thấy sợ hãi và không chắc chắn về công việc nghiên cứu, sự nghiệp tương lai của họ tại Mỹ.
“Có những hậu quả đối với gia đình họ, bạn biết đấy, vợ/chồng, con cái, việc nhập học, tình trạng công việc, tiền thuê nhà, nhà ở, mọi thứ. Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra” – một học viên sau ĐH người Trung Quốc cho biết.
Anh Leo Gerdén – người Thụy Điển – dự kiến tốt nghiệp vào tuần tới. Trả lời CNN, anh cho biết một số người bạn của anh đang học tại trường ĐH Harvard “đang lập kế hoạch chuyển trường mới, đặc biệt là đến các cơ sở đào tạo khác ở nước ngoài”.
“Tôi đã mong chờ được tổ chức lễ tốt nghiệp vào tuần tới. Nhưng giờ đây, tôi có thể rời khỏi nơi này và nó sẽ không còn như trước vào học kỳ tới, bởi vì nếu không có những sinh viên quốc tế này và các nhà nghiên cứu quốc tế, khuôn viên ĐH Harvard sẽ không còn như trước nữa. Về cơ bản, chúng tôi đang bị coi như những con bài trong ‘cuộc chiến’ giữa Nhà Trắng và Harvard ” – anh Gerdén nói.