Vì một tương lai không khói thuốc lá
Tham dự Tọa đàm 'Trường học không khói thuốc: Thách thức và Giải pháp', các em học sinh trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã mang đến thông điệp: Một hơi thở sạch - Một tương lai sáng.

Các em học sinh đã thể hiện sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá cũng như thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình về việc tăng thuế thuốc lá nhằm giảm tiêu thụ mặt hàng này
Tọa đàm do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) tổ chức sáng 24/5. Đây là diễn đàn quan trọng nhằm đẩy mạnh thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong môi trường học đường.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra những nhận định, khuyến nghị và giải pháp cấp thiết nhằm tăng cường nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về tác hại của thuốc lá – đặc biệt là nguy cơ học sinh tiếp cận, sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng.
Là một trong những cơ sở giáo dục tiêu biểu tham gia Tọa đàm, các em học sinh Trường THCS Dịch Vọng Hậu đã thực sự gây ấn tượng với các đại biểu qua phần chia sẻ với chủ đề “Vì một tương lai không khói thuốc”.
Với những lập luận sắc sảo, nội dung trình bày gắn với thực tiễn môi trường học đường, các em không chỉ nêu bật thực trạng đáng báo động về tác động của thuốc lá đến môi trường học đường, mà còn chủ động đề xuất những giải pháp thiết thực, mang tính ứng dụng cao.
Em Hà Quang Hùng Anh - học sinh lớp 8A5 chia sẻ, khảo sát về vị trí của các cửa hàng bán thuốc lá trong bán kín 100m tính từ trường THCS Dịch Vọng Hậu; cho thấy, thuốc lá được bày bán tràn lan, dễ dàng tiếp cận với học sinh. Thuốc lá không được ghi nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ; không có biển cấm học sinh theo quy định của pháp luật về sử dụng thuốc lá…
Kết quả khảo sát tại trường đối với 100 học sinh cho thấy có đến 68 học sinh được hỏi có người thân sử dụng thuốc lá, trong số đó có 33 học sinh bị ảnh hưởng với các biểu hiện như bị ho, da nổi mẩn đỏ, viêm phổi, ảnh hưởng đến hô hấp…- Hùng Anh cho biết.
Dẫn thông tin, số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế về tác hại của thuốc lá – là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật, các em cho rằng, tác hại của thuốc lá hoàn toàn có thể phòng, tránh được với sự vào cuộc trách nhiệm của toàn xã hội.
Đặc biệt, các em học sinh đã bày tỏ sự quan tâm, đưa ra quan điểm, ý kiến và nêu lên tiếng nói của mình về chính sách thuế đối với mặt hàng thuốc lá tại Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Ths, Bs Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, người dưới 18 tuổi ở nước ta rất dễ dàng mua thuốc lá, ngay cả khi các em mặc đồng phục trường học. Ở Việt Nam thuốc lá được bày bán ở khắp nơi và các cửa hàng bán lẻ có rất nhiều sản phẩm thuốc lá. Do đó, học sinh đang tiếp cận quá dễ dàng với thuốc lá.
Hiện nay, ở nước ta có khoảng 40 nhãn thuốc lá trong đó có nhiều sản phẩm thuốc lá có giá từ 7-8 nghìn đồng. “Một cốc trà sữa ít cũng phải 25.000-30.000 đồng trong khi đó giá một bao thuốc là chỉ 7-8 nghìn đồng” - bà Hải dẫn ví dụ và cho rằng, với mức giá này, người dân sẽ dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó khăn trong vấn đề ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên. Đồng thời làm cho những người đã nghiện thuốc lá không có quyết tâm để bỏ thuốc.
“Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là giải pháp chiếm đến 50-60% tác động của việc giảm thiểu thuốc lá, đặc biệt là trong thanh thiếu niên” - bà Hải nhấn mạnh.
Những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm của các em học sinh tại Tọa đàm đã thể hiện tinh thần chủ động, ý thức công dân mạnh mẽ của thế hệ trẻ trước các vấn đề của xã hội. Qua đó, các em mong muốn sự chung tay của toàn xã hội sẽ biến “Trường học không khói thuốc” thành hiện thực - nơi học sinh được học tập, phát triển trong môi trường xanh, sạch, an toàn và lành mạnh. Mỗi người, hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ: nói không với thuốc lá, lên tiếng trước vi phạm và cùng xây dựng mái trường nơi sức khỏe học sinh được đặt lên hàng đầu.