Học sinh lớp 9 ở Nam Định sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10

Học sinh lớp 9 ở Nam Định đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026.

Học sinh lớp 9 ở Nam Định ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi.

Học sinh lớp 9 ở Nam Định ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi.

Chuẩn bị kiến thức, tâm lý vững vàng để “vượt vũ môn”

Chỉ còn ít ngày nữa, gần 24.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ bước vào kỳ thi.

Kỳ thi diễn ra trong ba ngày, từ 3 - 5/6. Thí sinh dự thi phải hoàn thành ba bài thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ngoài ba bài thi chung, sẽ làm thêm bài thi môn chuyên riêng.

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh công bố các môn thi, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã chủ động bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn vững để tổ chức ôn luyện các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Thời điểm hiện tại, công tác ôn tập tại các trường đang bước vào giai đoạn tăng tốc, tập trung vào việc hệ thống kiến thức theo chuyên đề, kết hợp luyện đề và rèn kỹ năng làm bài cho học sinh.

Những ngày cận kề kỳ thi là khoảng thời gian căng thẳng nhưng cũng mang tính quyết định. Là người nhiều năm gắn bó với học sinh cuối cấp, cô Trần Thị Lan, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trần Huy Liệu, huyện Vụ Bản nói, học sinh không nên quá lo lắng hay ôn tập dồn dập, thức khuya, dậy muộn. Điều đó chỉ khiến cơ thể và tinh thần mệt mỏi, khó đạt phong độ tốt nhất trong phòng thi.

Thay vì cố gắng “nhồi nhét” kiến thức vào phút chót, học sinh nên xây dựng thời gian biểu hợp lý, chú trọng giấc ngủ, ăn uống đủ chất và dành thời gian thư giãn nhẹ nhàng. Việc duy trì một nhịp sinh hoạt ổn định trong những ngày thi sẽ giúp các em giữ tinh thần thoải mái, đầu óc tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn khi làm bài.

Cô Lan chia sẻ thêm, trên cơ sở đề thi minh họa do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh công bố, có thể thấy, đề thi môn Ngữ văn năm nay có mức độ phân hóa cao, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn phải có khả năng cảm thụ văn học sâu sắc và tư duy tổng hợp.

“Thời điểm này, tôi đang tập trung luyện đề cho học sinh, nhằm giúp các em được tiếp xúc nhiều dạng đề khác nhau, nâng cao kỹ năng xử lý bài thi”, cô Lan nói.

Theo cô Lan, đề thi Ngữ văn dự kiến sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, yêu cầu học sinh có khả năng liên hệ thực tiễn và tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn.

Để đạt điểm cao, học sinh cần nắm vững yêu cầu cần đạt trong chương trình chính khóa, hiểu rõ cấu trúc và các bước triển khai bài viết. Bên cạnh đó, các em cũng cần đọc thêm nhiều văn bản, tác phẩm văn học, đồng thời quan tâm đến các vấn đề thời sự, xã hội và tích cực rèn luyện kỹ năng diễn đạt, lập luận qua thực hành viết.

Ở môn Toán, cô Nguyễn Thị Ái, giáo viên Trường THCS Kim Thái, huyện Vụ Bản chia sẻ: “Hiện tại tôi đang hướng dẫn học sinh ôn tập theo các chuyên đề, kết hợp hệ thống hóa kiến thức một cách logic, bài bản và có chiều sâu. Khi học sinh đã nắm vững kiến thức, việc luyện đề sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi, biết cách phân bổ thời gian hợp lý và rèn kỹ năng trình bày”.

Nâng cao hiệu quả ôn tập

Bà Phạm Thị Tố Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Thái cho biết, năm học này, trường có 131 học sinh lớp 9, trong đó có 125 em đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ngay sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực, nhà trường đã nhanh chóng triển khai kế hoạch ôn thi tuyển sinh cho học sinh.

Theo đó, các tổ bộ môn được giao xây dựng các dạng đề để giúp học sinh ôn luyện kiến thức, rèn kỹ năng làm bài tại các giờ học trên lớp.

Định kỳ hàng tháng, nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá để phân loại năng lực học sinh và theo dõi sự tiến bộ qua từng giai đoạn, từ đó có những điều chỉnh về phương pháp giảng dạy và ôn tập phù hợp.

 Giáo viên luôn theo sát, giúp học sinh ôn tập.

Giáo viên luôn theo sát, giúp học sinh ôn tập.

Tuy nhiên, việc tự học tại nhà vẫn là giải pháp chính đối với nhiều em học sinh. Để hỗ trợ các em sát sao hơn, giáo viên trong trường thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất việc học vào buổi tối, hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, nhằm nắm bắt tâm lý, phối hợp với phụ huynh đôn đốc và tạo động lực cho các em.

Ngoài ra, thời gian truy bài đầu buổi học cũng được nhà trường điều chỉnh từ 15 phút lên 35 phút mỗi ngày. Trong thời gian này, giáo viên cùng đội ngũ học sinh cốt cán là những em có học lực giỏi sẽ kiểm tra bài tập về nhà của các bạn, từ đó phát hiện những phần còn yếu để hỗ trợ, giúp nhau cùng tiến bộ.

Khác với các năm trước, năm nay tỉnh Nam Định tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chung cho cả Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THPT không chuyên.

Việc tổ chức chung một đợt thi giúp học sinh đăng ký thi môn chuyên có thêm thời gian ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức cho môn chuyên.

Bà Trần Thị Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Huy Liệu cho biết, năm học này, nhà trường có 168 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10, trong đó có 64 em đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Để nâng cao hiệu quả ôn tập, hướng tới kết quả tốt nhất trong kỳ tuyển sinh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn luyện theo từng giai đoạn cụ thể.

Dựa trên nguyện vọng của học sinh, nhà trường phân nhóm ôn tập theo hai hướng, thi vào lớp chuyên và thi đại trà, đồng thời phân công giáo viên phụ trách từng nhóm để đảm bảo nội dung ôn tập sát với mục tiêu và năng lực của từng đối tượng. Quá trình ôn tập luôn gắn liền với việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời trong phương pháp giảng dạy cũng như hướng dẫn cụ thể, giúp học sinh củng cố kiến thức hiệu quả theo đúng định hướng đã chọn.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-lop-9-o-nam-dinh-san-sang-cho-ky-thi-vao-lop-10-post732661.html
Zalo