Siêu vũ khí Mỹ: Đội quân cảm tử 'giấu mặt' với bộ não AI
Quân đội Mỹ có thể sớm sở hữu một đội quân cảm tử 'giấu mặt', sau khi một nhà thầu quốc phòng Mỹ tiết lộ loại drone chiến đấu mới nhất của họ.
Siêu vũ khí nhằm duy trì ưu thế trên không
Công ty AeroVironment vừa giới thiệu mẫu drone Red Dragon trong một video trên kênh YouTube của hãng. Đây là mẫu đầu tiên trong dòng “drone tấn công tự sát” mới.
Chiếc drone cảm tử này có thể đạt tốc độ lên tới 160 km/h và phạm vi hoạt động 400km. Nó chỉ mất 10 phút để triển khai và phóng, nặng chỉ khoảng 20kg, phù hợp với điều kiện tác chiến nhanh.
Sau khi dựng chân đế nhỏ để phóng, AeroVironment cho biết binh sĩ có thể phóng tới 5 chiếc mỗi phút.
Khi xác định mục tiêu, Red Dragon sẽ lao thẳng như tên lửa và đâm vào đối tượng, phát nổ để tiêu diệt.
Video giới thiệu cho thấy Red Dragon có thể đánh trúng xe tăng, phương tiện quân sự, trại địch và cả công trình nhỏ, với các địa hình đất liền, trên biển và trên không. Sức công phá tùy thuộc vào mục tiêu bị đánh trúng, nhưng drone này có thể mang tới 10kg thuốc nổ.

Nhà sản xuất Red Dragon khẳng định thiết bị này là “một bước tiến lớn trong khả năng sát thương tự động”, vì nó có thể tự đưa ra quyết định nhắm mục tiêu trước khi khai hỏa. Ảnh: AeroVironment
Khác với những drone khác của quân đội Mỹ có thể mang tên lửa, Red Dragon chính là tên lửa, được thiết kế để tối ưu hóa về quy mô, tốc độ và tính thực chiến.
Nếu như việc phóng tên lửa đòi hỏi nhắm mục tiêu và dẫn đường chính xác để trúng đích, thì sự đơn giản của cuộc tấn công tự sát bằng bầy đàn Red Dragon loại bỏ nhiều phức tạp về công nghệ cao.
Red Dragon ra đời trong bối cảnh các quan chức quân sự Mỹ công khai thừa nhận đang phải nỗ lực duy trì ưu thế trên không, khi drone đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường, trở thành những quả bom điều khiển từ xa có thể tấn công toàn cầu.
Thủy quân lục chiến Mỹ đã tham gia sâu vào sự phát triển của tác chiến máy bay không người lái trong những năm gần đây. Trung tướng Benjamin Watson nhận định: Mỹ không còn duy trì ưu thế trên không như trước, buộc nước này phải phát triển các vũ khí như Red Dragon để nắm lợi thế.
Công nghệ cốt lõi của drone cảm tử Red Dragon
Theo AeroVironment, phần mềm AVACORE chính là “bộ não” điều khiển toàn bộ hệ thống bên trong, cho phép dễ dàng tùy chỉnh nhiệm vụ. Còn hệ thống SPOTR-Edge là “đôi mắt thông minh” sử dụng AI để phát hiện và nhận diện mục tiêu một cách độc lập.
Red Dragon sử dụng AI để tự xác định mục tiêu, phân biệt giữa mục tiêu quân sự và dân sự, và ra quyết định tấn công mà không cần sự can thiệp của con người. Công nghệ này tương tự các hệ thống AI đa phương thức (multimodal AI) như nhưng được tối ưu cho nhiệm vụ quân sự.

Hệ thống SPOTR-Edge trên Red Dragon hoạt động như “đôi mắt thông minh”, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện và nhận dạng mục tiêu mà không cần con người can thiệp. Ảnh: AeroVironment
Không những thế, drone này sử dụng các cảm biến quán tính, thị giác máy tính và bản đồ địa hình để điều hướng trong môi trường bị chặn GPS, một tính năng quan trọng khi đối mặt với các hệ thống gây nhiễu hiện đại.
Nó có khả năng tích hợp phần mềm linh hoạt, cho phép nâng cấp phần mềm để thích nghi với các nhiệm vụ khác nhau mà không cần thay đổi phần cứng. Điều này giúp giảm chi phí và tăng tính linh hoạt cho Red Dragon.
Ngoài ra, Red Dragon được thiết kế để hoạt động trong môi trường chiến tranh điện tử (electronic warfare), nơi các hệ thống gây nhiễu vô tuyến phổ biến. Với tầm hoạt động 400km, Red Dragon có thể tấn công sâu vào hậu phương của đối phương mà không cần máy bay mẹ hay lực lượng mặt đất hỗ trợ.
Trong xung đột Ấn Độ - Pakistan (tháng 5/2025), Ấn Độ đã sử dụng các drone cảm tử để tấn công cơ sở hạ tầng khủng bố. Tuy nhiên, các drone này không có khả năng tự động cao như Red Dragon và phụ thuộc nhiều vào GPS, khiến chúng dễ bị "bẻ gãy".

Red Dragon - loại "máy bay không người lái cảm tử" sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể sớm trở thành vũ khí cho quân đội Mỹ, với khả năng tự quyết định mục tiêu để tấn công. Ảnh: AeroVironment
Một yếu tố khác khiến Red Dragon hoàn toàn khác biệt so với các drone thông thường là khả năng tự quyết định. Red Dragon không cần người điều khiển chọn mục tiêu. Nó có thể tự xác định và lao vào mục tiêu. Tuy nhiên, đây cũng chính là mặt trái của Red Dragon, khi nó đối mặt với nguy cơ tấn công nhầm mục tiêu dân sự do lỗi AI.
Tuy Bộ Quốc phòng Mỹ đã ban hành các quy định nghiêm ngặt, yêu cầu hệ thống vũ khí tự động phải có cơ chế để con người kiểm soát. Tuy nhiên, tính tự động cao của Red Dragon khiến việc thực thi quy định này trở nên khó khăn.
Theo nhận định của một số chuyên gia, Red Dragon là bước tiến cần thiết để duy trì lợi thế quân sự của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang phát triển các vũ khí tương tự. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng drone tự sát tự động sẽ làm tăng nguy cơ thương vong dân sự và làm giảm trách nhiệm của các quốc gia sử dụng chúng.
(Theo Dailymail, TWZ, AeroVironment)