Sẽ nghiên cứu triển khai trái phiếu nhà ở xã hội

Việc nghiên cứu và triển khai các công cụ tài chính mới như trái phiếu nhà ở xã hội, các quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội là một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm tạo nền tảng tài chính bền vững cho các dự án nhà ở xã hội.

Tín dụng bất động sản có nhiều điểm sáng

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý I/2025. Theo đó, tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có nhiều điểm sáng mới.

Số liệu dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (Nguồn: Bộ Xây dựng).

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến 28/2/2025, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là 1.488.332 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với quý IV/2024.

Trong quý I năm 2025, tín dụng bất động sản đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể như việc Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, bao gồm việc đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Các ngân hàng thương mại được khuyến khích mở rộng tín dụng vào các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp... Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, tương đương với việc bổ sung khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách khác và việc cấp tín dụng cho lĩnh vực này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng, đảm bảo an toàn tài chính và tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc nền tảng batdongsan.com.vn, hiện nay, nhiều thay đổi về tín dụng và lãi suất đang tái kích hoạt dòng tiền cá nhân. Vị chuyên gia chia sẻ, đây là thời điểm có những đặc điểm tương đồng với giai đoạn năm 2014, khi đó, thị trường bất động sản đang bắt đầu le lói những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ sau thời gian dài trầm lắng. Ông Quốc Anh cho rằng, việc thay đổi về lãi suất và tín dụng là một trong những yếu tố rất quan trọng cho sự phục hồi bền vững của thị trường bất động sản.

Ngành bất động sản dẫn đầu về mua lại trái phiếu

Thị trường trái phiếu bất động sản đang biến động theo đà hồi phục của thị trường bất động sản (Ảnh: Hoàng Anh).

Trong quý I/2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, đã trải qua những biến động đáng chú ý. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tổng giá trị phát hành trái phiếu mới trong quý đầu năm 2025 đạt 25.130 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu chiếm khoảng 30,3% tổng giá trị phát hành mới. Theo đó, dù có sự cải thiện về phát hành ra công chúng (tăng 68% so với cùng kỳ) nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa sẵn sàng quay lại huy động vốn mạnh mẽ qua trái phiếu như các năm trước đây.

Ngành bất động sản dẫn đầu về mua lại trái phiếu với tỷ trọng 58,6% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 11.361 tỷ đồng. Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 181.892 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm 53,1% với 96.527 tỷ đồng.

Các chuyên gia của đơn vị nghiên cứu thị trường S&I Ratings dự báo, các doanh nghiệp bất động sản liên tục đẩy mạnh nợ vay, dẫn đến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cuối năm 2024 lên mức cao nhất trong vòng 6 năm. Áp lực tài chính sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới khiến các chuyên gia kỳ vọng giá trị phát hành trái phiếu cũng tăng mạnh trong ba quý cuối năm.

Tại báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý I/2025, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, các địa phương sẽ tập trung vào việc tạo ra môi trường pháp lý ổn định, kiểm soát và xử lý các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, phát triển hạ tầng và điều chỉnh chính sách tín dụng… Những biện pháp này sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững và ổn định hơn trong tương lai.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và triển khai các công cụ tài chính mới như trái phiếu nhà ở xã hội, các quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế, tạo nền tảng tài chính bền vững cho các dự án nhà ở xã hội.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các quốc gia ngay trong khối ASEAN, như Singapore có quỹ cho nhà ở xã hội phát triển rất hiệu quả. Chính vì vậy, vị chuyên gia nhận định rằng cần phát triển những quỹ này để không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách.

Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng tham gia Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng (hiện nay là 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng thương mại) đẩy mạnh việc cho vay, giải ngân nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.

Trang Lê

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/se-nghien-cuu-trien-khai-trai-phieu-nha-o-xa-hoi-192250520233735679.htm
Zalo