AI - cú hích mới cho báo cáo phát triển bền vững của ngân hàng
Trao đổi tại Tọa đàm 'Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI' do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức sáng 21/5, bà Ngô Thúy Phượng - Phó Ban Chiến lược, Thư ký Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, số lượng doanh nghiệp công bố báo cáo phát triển bền vững đến nay vẫn còn hạn chế với chỉ 33 doanh nghiệp thực hiện, công bố tính đến cuối năm 2024.
Nhưng nguồn thông tin từ các báo cáo này lại có giá trị toàn diện, đặc biệt trong việc cung cấp dữ liệu về các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cùng những rủi ro phi tài chính. Nhờ đó, ngân hàng có thể đánh giá chính xác hơn các rủi ro tiềm ẩn về pháp lý, danh tiếng, vận hành - những yếu tố thường bị bỏ sót trong báo cáo tài chính truyền thống. Chính vì vậy, báo cáo phát triển bền vững ngày càng được xem là tiêu chí quan trọng trong quy trình thẩm định tín dụng. Điều này không chỉ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro danh mục, hạn chế nợ xấu mà còn định hướng xây dựng danh mục tín dụng tập trung vào các lĩnh vực phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động dài hạn.

“Việc đưa quy định công bố báo cáo phát triển bền vững thành tiêu chí bắt buộc trong thẩm định tín dụng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG, từ đó cải thiện toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh doanh bền vững. Không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín, điều này còn định hình chiến lược phát triển dài hạn có trách nhiệm của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh các tiêu chuẩn quốc tế về ESG ngày càng khắt khe, việc công khai báo cáo phát triển bền vững sẽ thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nâng tầm quản trị, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận thị trường vốn toàn cầu. Đây là yêu cầu không thể thiếu để thu hút các nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế” bà Ngô Thúy Phượng nhấn mạnh.
Đối với ngành Ngân hàng, việc thúc đẩy và khuyến khích sử dụng Báo cáo phát triển bền vững không chỉ là một định hướng quan trọng mà còn góp phần gia tăng nguồn vốn tín dụng xanh, từ đó thúc đẩy thực hiện thành công Chiến lược phát triển tài chính bền vững quốc gia.
Theo bà Ngô Thúy Phượng, Báo cáo phát triển bền vững đang dần trở thành một tiêu chí trong quá trình thẩm định tín dụng. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ kiểm soát rủi ro, đảm bảo chất lượng tín dụng và hoạt động ngân hàng an toàn, mà còn đóng vai trò định hướng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững trong dài hạn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai định hướng này vẫn còn nhiều thách thức. Việc thiếu khung tiêu chuẩn phân loại xanh cấp quốc gia khiến việc đánh giá tính minh bạch và độ tin cậy của các báo cáo gặp nhiều khó khăn. Về phía các tổ chức tín dụng, trở ngại lớn nằm ở việc thiếu công cụ phân tích, dữ liệu chuyên sâu và kỹ năng thẩm định các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong quá trình xét duyệt tín dụng.
Để vượt qua những rào cản trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực ngân hàng đến hỗ trợ doanh nghiệp và ưu đãi tín dụng xanh. Việc xây dựng danh mục phân loại xanh quốc gia, ban hành bộ tiêu chuẩn ESG thống nhất cùng các quy định minh bạch về báo cáo phát triển bền vững là bước đi cần thiết đầu tiên. Song song đó, các ngân hàng cần được đào tạo chuyên sâu để nâng cao năng lực thẩm định, trong khi doanh nghiệp cần được hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng lập báo cáo. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi cho tổ chức tín dụng tích cực triển khai tín dụng xanh sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy dòng vốn vào các dự án bền vững của doanh nghiệp. Bà Ngô Thúy Phượng chia sẻ, với lộ trình cụ thể và quyết tâm thực hiện, việc tích hợp báo cáo phát triển bền vững vào thẩm định tín dụng chắc chắn sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng tới.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, bà Phượng cho biết Vietcombank đã xác định phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt. Ngân hàng đã tích hợp các yếu tố ESG vào mọi hoạt động thông qua chuyển đổi số, cải tiến hệ thống quản trị rủi ro bền vững, và chuyển hóa giá trị đóng góp cho cộng đồng thành dữ liệu cụ thể trong báo cáo phát triển bền vững. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên Vietcombank công bố báo cáo phát triển bền vững riêng – một bước đi thể hiện cam kết minh bạch và khẳng định vị thế tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Cần đồng bộ khung pháp lý, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao
Đối với ngành Ngân hàng, bà Ngô Thúy Phượng đánh giá các ngân hàng đều có thuận lợi trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Hiện nay, việc thực hành báo cáo ngành Ngân hàng đã có nhiều bước tiến hơn so với một số ngành khác khi có sự định hướng và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, có sự hỗ trợ tư vấn từ các tổ chức có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới đồng thời khuôn khổ pháp lý về thực hành ESG trong ngành Ngân hàng cũng đã được chú trọng và dần hoàn thiện. Thêm vào đó, nhận thức của cộng đồng và khách hàng về tầm quan trọng của ESG ngày càng được nâng lên. Trong bối cảnh báo cáo phát triển bền vững ngày càng trở nên quan trọng, AI được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc nâng cao chất lượng báo cáo thông qua khả năng thu thập dữ liệu thông minh, phân tích xu hướng và tự động hóa quy trình báo cáo. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng AI vào lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều rào cản đáng kể.
Bà Phượng cho biết, một trong những thách thức lớn nhất là việc thiếu khung tiêu chuẩn phân loại xanh quốc gia, khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tích hợp các yếu tố rủi ro xã hội vào hệ thống dữ liệu - nền tảng quan trọng để xây dựng giải pháp AI hiệu quả. Ngoài ra, nguồn dữ liệu lịch sử về ESG còn quá mỏng do báo cáo phát triển bền vững mới chỉ phát triển trong vài năm gần đây, đòi hỏi cần thêm thời gian để hoàn thiện cơ sở dữ liệu đầy đủ và hệ thống. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là trở ngại không nhỏ. Việc thiếu đội ngũ chuyên môn vừa am hiểu ESG vừa thành thạo công nghệ AI khiến nhiều tổ chức khó phát huy tối đa giá trị của AI. Bà Phượng nhấn mạnh “AI sẽ khó phát huy hiệu quả nếu không có người chuyên môn biết cách chuyển đổi các mục tiêu phát triển bền vững thành dữ liệu đầu vào chất lượng và ngược lại”.

"Để AI thực sự trở thành công cụ nâng cao chất lượng báo cáo phát triển bền vững cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía: hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hóa và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ khi đó, AI mới thực sự trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy chất lượng trong việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung" bà Phượng chia sẻ.