Doanh nghiệp Việt làm ngày làm đêm để tranh thủ 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế

Các doanh nghiệp những ngày qua tổ chức sản xuất 3 ca, làm ngày làm đêm tranh thủ 90 ngày gia hạn thuế của Mỹ để xuất hàng đi, nhà mua hàng cũng chạy đua trữ hàng.

Doanh nghiệp làm 3 ca để kịp xuất hàng đi Mỹ

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (LTTP), cho biết gần 2 tháng qua, câu chuyện thuế quan tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thuộc ngành LTTP. Bởi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành là nhỏ và vừa.

90 ngày gia hạn thuế là thời gian các doanh nghiệp làm ngày làm đêm để tăng xuất hàng qua Mỹ.

90 ngày gia hạn thuế là thời gian các doanh nghiệp làm ngày làm đêm để tăng xuất hàng qua Mỹ.

“Chúng tôi được chia sẻ là không những doanh nghiệp mình tranh thủ 90 ngày để sản xuất, đưa hàng đi bằng mức thuế cũ; mà phía đối tác, các nhà mua hàng ở Mỹ cũng tranh thủ khoảng thời gian này trữ hàng, tăng tồn kho. Nên những mặt hàng nào lợi thế, sản xuất nhanh, là doanh nghiệp tập trung làm, nhanh chóng xuống tàu để xuất đi”, bà Lý Kim Chi nói.

Bà Chi cũng cho biết ngành LTTP không chỉ là một ngành mà còn là lá chắn mềm của nền kinh tế để giữ sản xuất, giữ việc làm, giữ chuỗi giá trị sản xuất cho toàn ngành nông lâm thủy sản.

Nhưng để bền vững, việc cấp thiết là các doanh nghiệp buộc phải tái định vị thị trường xuất khẩu, tức tìm kiếm các thị trường mới. Đây là giải pháp trọng tâm, sát thực tế, có thể triển khai ngay được.

Hiện nay, Hiệp hội đang cùng các doanh nghiệp đẩy nhanh xúc tiến các thị trường mới, đặc biệt thị trường Halal. Đây là thị trường tiêu dùng rất lớn và tiềm năng với 2 tỷ người dùng, rất lợi thế với ngành chế biến lương thực thực phẩm.

Ngành lương thực thực phẩm được coi là lá chắn mềm của nền kinh tế để giữ sản xuất, giữ việc làm, giữ chuỗi giá trị sản xuất.

Ngành lương thực thực phẩm được coi là lá chắn mềm của nền kinh tế để giữ sản xuất, giữ việc làm, giữ chuỗi giá trị sản xuất.

Theo bà, kế đến là phải xây dựng lại lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp đề cao sự khác biệt của các sản phẩm và các tiêu chuẩn cần đạt được đối với thực phẩm. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu và câu chuyện thương hiệu gắn với sản phẩm của mình.

Tôi thường nói với các doanh nghiệp câu chuyện khác biệt. Như trong từng chai nước mắm, trong từng xì dầu hay các gói bún gạo, món thực phẩm của mình đều chứa đựng những câu chuyện riêng. Đó là lợi thế mình cần tận dụng để xây dựng lại lợi thế riêng”, bà Chi nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cũng tăng cường kết nối hệ sinh thái để cùng củng cố, mở rộng thị phần. Việc này rất lợi thế, ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ nhưng nhận được đơn hàng lớn, phải kết nối với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, trong ngành để cùng sản xuất, mới đáp ứng nhu cầu khách hàng lớn.

Thua nếu cạnh tranh về giá

Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Secoin, một doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang xuất hàng đi 60 thị trường nước ngoài và Mỹ, cho biết những ngày qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn trong cơn bão thuế quan, rào cản toàn cầu áp lên hàng Việt.

Với riêng nhóm ngành vật liệu xây dựng, ngay khi nhận thông tin thuế quan 46%, các doanh nghiệp lập tức liên kết trong chuỗi cung ứng.

Với 60 thị trường, ngay lập tức chúng tôi thiết lập các chuỗi cung ứng ở châu Âu, Mỹ và các thị trường trọng điểm mỗi thị trường một chuỗi cung ứng. Riêng Mỹ chiếm 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng tôi. Sau khi trao đổi với phía Mỹ, cả nhà bán hàng, nhà cung cấp đều có nhận định tương đồng nhau, là cùng chia sẻ.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp phía Mỹ, nếu mức thuế mới đưa ra, có thể chúng tôi sẽ chia ra 3 phần thuế quan, mỗi bên chịu 1/3, gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng. Các bên cũng thống nhất không cạnh tranh về giá, tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, sản phẩm cạnh tranh về giá trị, về sự khác biệt. Bởi nếu cạnh tranh giá thì với mức thuế quan mới, doanh nghiệp sẽ không còn sức”, bà Hương cho biết.

Nhiều giải pháp ổn định làm ăn được các doanh nghiệp đưa ra khi thời điểm áp mức thuế đối ứng của Mỹ đang đến gần.

Nhiều giải pháp ổn định làm ăn được các doanh nghiệp đưa ra khi thời điểm áp mức thuế đối ứng của Mỹ đang đến gần.

Bà Hương cũng cho biết phía đối tác cũng đưa ra những nhóm hàng mong muốn nhập khẩu có giá trị cao hơn, là thế mạnh của Việt Nam. Đối tác mong muốn doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng tiên phong xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, khác biệt.

Đa dạng hóa thị trường, không bỏ trứng vào cùng một giỏ cũng là cách Secoin áp dụng chủ động nhiều năm qua. Bà Hương cho biết ngay khi thông tin thuế quan mới của Mỹ đưa ra, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng TP.HCM đã có những chương trình, kế hoạch mới. Vào đầu tháng 5, nhiều doanh nghiệp với sự hỗ trợ của thành phố, cùng tham dự một hội chợ vật liệu xây dựng ở Úc, với mục tiêu cùng tìm kiếm khách hàng.

Sự nỗ lực này đã tạo được hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam rất tốt trong mắt các nhà mua hàng Úc. Kết quả mang lại cũng rất tích cực. Chỉ trong 2 ngày tham gia hội chợ, Secoin đã có thêm gần 200 cuộc liên hệ, tiếp xúc từ khách hàng. Giữa khó khăn, TP đã "đánh trúng", đã hỗ trợ, đưa doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại thực tế chứ không phải chung chung, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cùng ngành.

Thị trường mới mà doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng TP.HCM tiếp tục hướng đến là thị trường Trung Đông.

Tuy nhiên theo bà Hương, khi đa dạng hóa thị trường cũng cần phải tỉnh táo. Bởi mỗi thị trường có những bộ tiêu chuẩn khác nhau, doanh nghiệp không thể chạy theo từng tiêu chí, mà phải là bài toán chung, chuẩn hóa, bền vững theo hướng quốc tế, đáp ứng tất cả thị trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức với tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng, hàng loạt rào cản kỹ thuật mới đang khiến hoạt động giao thương và mở rộng thị phần của doanh nghiệp khó khăn hơn bao giờ hết.

Từ cuối năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản thuế mới; các năm 2024 và 2025, những thách thức này tiếp tục gia tăng. Chỉ riêng năm 2024, Việt Nam đối mặt hơn 30 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường lớn, trong đó Mỹ chiếm 1/3, với 11 vụ.

Thống kê của ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, tính đến tháng 4/2025, Việt Nam là đối tượng của hơn 284 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các nước. Chủ yếu tập trung vào các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như thép, tôn màu, gỗ công nghiệp, dệt may...

Hà Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doanh-nghiep-viet-lam-ngay-lam-dem-de-tranh-thu-90-ngay-my-hoan-ap-thue-ar944220.html
Zalo