Sẽ còn lại nền văn học của tự tình dân tộc

Hoàng Khởi Phong (tên thật là Nguyễn Vinh Hiển) đã có nhiều thơ trước 1975. Đã có rất nhiều bút ký, truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết... sau 1975 khi sống ở Mỹ. Thơ văn đa dạng như cuộc đời của chính ông, từng là đại úy quân cảnh, người bán xăng, thợ tiện rồi làm báo… Năm 2005 ông trở về Việt Nam định cư.

Cuộc trò chuyện này được thực hiện vào tháng 12.2024, tại Sài Gòn. Nhà văn Hoàng Khởi Phong ở tuổi 82, bước vào quán cà phê hẹn trước, đầu đội mũ lưỡi trai, áo thun đỏ, giày thể thao và hàm râu bạc trắng.

Thưa ông, ông có thể tự giới thiệu: Hoàng Khởi Phong là ai?

Câu hỏi này ngắn và khó trả lời một lần cho đầy đủ. Ngay bây giờ, tôi nói rằng, tôi là người “ăn cây nào rào cây đó”. Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954, miền Nam cưu mang tôi, mở vòng tay đón nhận gia tộc tôi. Miền Nam là một vùng đất hiền hòa, con người cư xử với nhau tử tế, chúng tôi hòa nhập xã hội miền Nam ngay lập tức, tiếp tục ăn học, tiếp tục dấn thân. Thời cuộc lúc đó, tôi cũng như nhiều thanh niên miền Nam bị cuốn vào cuộc chiến tranh, tôi đi lính với cấp bậc sau cùng: đại úy.

Thưa ông, lúc đó ông có suy nghĩ về ý thức hệ không?

Thật ra, tôi biết cộng sản qua các tác phẩm văn học nhiều hơn. Nhưng điều khiến tôi trăn trở, đối diện hằng ngày, là thân phận con người trong cuộc chiến. Tôi còn nhớ, khi còn làm Trưởng ban trại giam tù binh ở Phú Quốc, tôi đã đọc được rất nhiều nhật ký, thơ văn của tù binh cộng sản. Tôi thấy người Việt mình, dù là quốc gia hay cộng sản thì đều thuần phác, nhân ái.

Nhà văn Hoàng Khởi Phong.

Nhà văn Hoàng Khởi Phong.

Vào ngày 30.4.1975, ông cố vượt thoát...

Nói đúng ra, là tôi may mắn. Khi bị đánh và truy đuổi, tôi chỉ huy một đơn vị từ Quy Nhơn đi Tuy Hòa. Tình hình nguy ngập quá, tôi nói với vợ tôi, đưa con vào Sài Gòn trước, nhưng vợ tôi đến Nha Trang, ghé vô nhà người thân và ở đó.

Cuối tháng 4.1975 tôi vào đến Sài Gòn thì vợ con tôi còn ở Nha Trang. Hoàn cảnh tình cờ, ba tôi nói với tôi “Cứ còn người thì còn của, không gặp trước thì gặp sau, nhất là vợ con anh, đàn bà con nít không ai làm gì. Nhưng phần anh, anh phải đi, vợ con anh, tôi sẽ đón về”. Đó là lý do tôi đi một mình, trên một chiến hạm mà người bạn học của tôi là hạm trưởng.

Độc giả hải ngoại thường nhắc đến hồi ký Ngày N+ của ông. Trong hồi ký này, dường như ông tô đậm những hành động, lời nói cho thấy sự bê bối và có phần hèn nhát của cấp chỉ huy. Trong tình thế đó, dường như ai cũng là nạn nhân và cần được chia sẻ. Nếu viết lại, ông có thay đổi góc tiếp cận không?

Từ lúc đặt chân đến Mỹ tôi đã bắt đầu viết Ngày N+, nhưng viết một phần in trong cuốn Ngẩng mặt nhìn trăng sáng, sau đó tôi có thì giờ viết lại đầy đủ như bản hiện nay.

Đó là những gì nóng nhất, đập vào mắt mình, làm mình đau đớn nhất ngay lúc xảy ra sự việc, tôi chỉ ghi lại. Xin nhấn mạnh đây là hồi ký, ngôi kể chuyện là TÔI, tôi chịu trách nhiệm về những gì tôi viết. Nếu tái bản, không có gì phải điều chỉnh, ngoại trừ vài chi tiết nhỏ, lúc đó tôi không có điều kiện xác minh.

Trước 1975, ông làm thơ, sau ông chuyển qua viết văn, xin ông kể về hành trình này...

Tôi bắt đầu làm thơ lúc 20 tuổi, năm 1963, khi đang học trường võ bị Thủ Đức. Đầu tiên tôi xuất bản là tập thơ Mặt trời lên, sau đó in tiếp tập Phục hồi quyền chức làm người. Tập thơ đầu tiên Mặt trời lên được in có giấy phép xuất bản, tập thơ tiếp theo là Phục hồi quyền chức làm người thì bị cấm. Nhưng tôi in được ở nhà in quân đội, thông qua mối quen biết, bạn tôi làm sếp ở đây.

Trước năm 1975 ở Việt Nam tôi là người làm thơ, sang Mỹ không còn hồn thơ nữa, nên chuyển sang viết văn. Tôi làm thợ tiện kiếm sống, khiến cho tôi không đủ sự lắng đọng trong tâm hồn, cảm xúc thơ ca. Nhưng, những điều tôi đã trải qua, đã chứng kiến lại cứ như bị dồn nén, và thôi thúc tôi phải viết ra, phải tỏ bày. Nên nhiều khi, tôi phải trốn vào nhà vệ sinh để viết văn, để máy tự động vận hành. Tôi còn nhớ, bản thảo cuốn Ngày N+ còn dính dầu nhớt...

Mới đây, tôi đã làm xong cuốn Hoàng Khởi Phong toàn tập chừng 3.000 trang, in ở Mỹ.

Sau 1975, ông hoạt động văn chương trở lại như thế nào?

Đầu tiên, tôi làm nhà xuất bản (NXB) Bố Cái, do tôi và anh Hoàng Chính Nghĩa thành lập, là nhà xuất bản tiếng Việt đầu tiên ở Mỹ. NXB Bố Cái in được 4 tác phẩm, có một tuyển tập thi ca 1975 - 1977, gồm 8 người: Hoàng Chính Nghĩa, Cao Tần, Trần Mộng Tú, Nguyễn Nam An, Hoàng Phú Hoan, Thi Thạch, Giang Hữu Tuyên và Hoàng Khởi Phong.

Năm 1985, sau một cuộc trò chuyện tại nhà tôi, tờ Văn học được ra đời với chủ nhiệm là anh Võ Phiến, chủ bút là anh Lê Tất Điều, tổng thư ký là Nguyễn Mộng Giác, còn tôi là chủ nhiệm trên giấy tờ. Vài năm sau thay đổi nhân sự, anh Giác làm chủ nhiệm, còn tôi là chủ bút cho tờ Văn học. Đến 1990, tôi vừa cộng tác với tờ Người Việt, vừa làm thợ tiện. Tôi phụ trách một mục duy nhất là “Văn học nghệ thuật” vào hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật, với truyện ngắn thơ văn... Khi tờ Người Việt mạnh lên, tôi bỏ thợ tiện về làm việc tại đây từ năm 1992, tiếp tục giữ mục này, và rời khỏi tờ Văn học.

Ông quay trở lại Việt Nam năm 1995? Tâm trạng của ông lúc đó như thế nào?

Đúng rồi, tôi trở lại Việt Nam đúng 20 năm sau. Thật sự tôi có lo âu, một thân một mình trở về mà. Quyết định trở về của tôi được cân nhắc sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Các năm sau đó, tôi đều trở về với thời gian lưu trú lâu hơn và ở hẳn từ 2005.

Thưa ông, ông tiếp cận văn chương của những nhà văn trong nước từ lúc nào?

Tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp, sau này là Bảo Ninh trong các thư viện ở Mỹ... Người tôi đọc nhiều nhất là Nguyễn Huy Thiệp, và cũng có dịp gặp ông ấy tại Mỹ. Tôi muốn có một nhận xét về văn chương miền Bắc, họ có nhiều cây bút viết truyện ngắn cực kỳ hay.

Cuộc hội ngộ văn nghệ sĩ từng ở hai bên chiến tuyến tại TP.HCM, 2013: (từ trái) Phan Nguyên, Quế Sơn, Trần Thị NgH, Dương Nghiễm Mậu, Mai Ninh, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Khởi Phong. Ảnh: TL

Cuộc hội ngộ văn nghệ sĩ từng ở hai bên chiến tuyến tại TP.HCM, 2013: (từ trái) Phan Nguyên, Quế Sơn, Trần Thị NgH, Dương Nghiễm Mậu, Mai Ninh, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Khởi Phong. Ảnh: TL

Ông còn nhớ, nhà văn trong nước ông gặp lần đầu là ai?

Trần Văn Thủy là người tôi “gặp” đầu tiên qua Chuyện tử tếHà Nội trong mắt ai. Băng video thu đi thu lại, nhão ra, chỉ còn nghe âm thanh. Khi anh Thủy qua châu Âu, thông qua một người quen biết tôi gửi cho anh Thủy cuốn Ngày N+ và được nhận lại hai bộ phim nói trên. Tôi nhớ trong video đó, trước khi vào phim có chạy dòng chữ “Gửi anh Hoàng Khởi Phong và các thân hữu những suy nghĩ của tôi”.

Năm 1988, chương trình của trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts-Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội) mở ra những chương trình giao lưu gặp gỡ các nhà văn Việt Nam trong nước. Hai nhà văn tham gia hoạt động này đầu tiên là Lê Lựu và Ngụy Ngữ. Các năm sau, lần lượt các nhà văn khác từ trong nước sang: Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyên Ngọc, Trần Văn Thủy, Tô Nhuận Vỹ... tôi có dịp được gặp gỡ trong số họ, và sau này thành bạn bè. Trong những dịp sinh hoạt đó, cũng là cơ duyên, năm 1995, ra đời một tuyển tập có tên The Other Side of Heaven (Phía bên kia thiên đàng).

Đây là cuốn sách đầu tiên mà theo tôi có tính biểu tượng vượt qua những định kiến ban đầu của các bên tham chiến. Cùng ngồi với nhau trên một vuông chiếu văn chương.

Ông đã xuất bản sách trong nước chưa?

Cuốn đầu tiên tôi in ở Việt Nam là một tập truyện ngắn, cuốn thứ hai là tiểu thuyết lịch sử về Hoàng Hoa Thám: Người trăm năm cũ, NXB Hội Nhà Văn.

Ông có một bài thơ in trong tạp chí thơ của Hội Nhà văn Việt Nam?

Đúng vậy, đó là bài Ghềnh thác cho cha, lần đầu tiên thơ tôi góp mặt trong một tạp chí thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, vào khoảng 2006. Bài thơ đó tôi viết năm 1969, và in lại với lời giới thiệu của Tô Nhuận Vỹ. Điều kiện để đăng, chính tôi yêu cầu “không sửa một chữ”.

...Cha nói rằng cha ghét lính viễn chinh
Lính Lê dương bán rẻ tâm hồn
Cha chiến đấu cho chúng con được niềm kiêu hãnh
Sao cha đành bỏ lại chiến khu
Sao cha về thành
Để công lao dật dờ ra biển
Sao cha căm thù anh bộ đội áo nâu
Cha cần tiền cho con ăn học
Phải dằn lòng làm công chức héo hon
Ngày hai buổi cha chịu quyền dưới đám thực dân
Đêm nghe tiếng súng vọng từ xa cha trằn trọc
Cha dạy con phải giữ tin yêu
Độc lập hòa bình phải có tình thương làm căn bản...

Thưa ông, đại úy Nguyễn Vinh Hiển và nhà văn Hoàng Khởi Phong có hòa giải với nhau được không?

Câu hỏi này chứa đựng quá nhiều thứ để biện giải, đất nước giờ đã im tiếng súng 50 năm rồi. Với tư cách cá nhân, tôi có cuộc sống yên ổn, với tôi là một sự may mắn. Ở khía cạnh văn chương, tôi cho rằng, những thành tựu văn chương trong và ngoài nước sẽ hòa thành một, trong dòng chảy của cái đẹp và sự thức tỉnh của con người.

Duy Thông - Quốc Ngọc thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/se-con-lai-nen-van-hoc-cua-tu-tinh-dan-toc-46827.html
Zalo