Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gióng hồi trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam
Tối 12/2, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề 'Tổ quốc bay lên'.
![Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, gióng hồi trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 3 năm 2025. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_294_51461495/59f4af009f4e76102f5f.jpg)
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, gióng hồi trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 3 năm 2025. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã gióng hồi trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 3 năm 2025.
Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 đã lựa chọn câu thơ "Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của Nhà thơ, Anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân làm chủ đề nhằm bày tỏ sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với tất cả những người con trên mảnh đất Việt Nam yêu quý đã dâng hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
"Chúng ta chọn dáng đứng của họ để chọn dáng đứng của một dân tộc không bao giờ biết quỳ gối trước bất kỳ một kẻ thù nào. Họ đã ngã xuống trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại để Tổ quốc được quyền đứng dậy kiêu hãnh làm người. Hôm nay chúng ta chọn vùng đất của lịch sử, của văn hóa, của thiên nhiên kỳ vĩ này để tổ chức Ngày thơ lần thứ 23 và cùng nhau gửi đi thông điệp về hòa bình, về cái đẹp, về khát vọng sống chân chính của dân tộc và ý chí hành động cho khát vọng sống ấy", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.
![Tiết mục nghệ thuật tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_294_51461495/20a4d750e71e0e40570f.jpg)
Tiết mục nghệ thuật tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Ngay trong tối khai mạc, khán giả đã được nghe các tiết mục ngâm những bài thơ đến từ các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ như: "Nguyên Tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Dục Thúy Sơn" của Trương Hán Siêu, "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân, "Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi" của Nam Hà và các tác phẩm của các nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Phan Hoàng, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên.
Đặc biệt, ngày Thơ năm nay có sự tham gia của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl với bài thơ "Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ". Bên cạnh đó, không gian Ngày thơ trưng bày poster của 20 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật; các bài thơ cổ và hiện đại về vùng đất Ninh Bình.
![Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_294_51461495/dfb52741170ffe51a71e.jpg)
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 2003 nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thơ ca và những đóng góp của các nhà thơ đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, là ngày hội của những người hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Tự hào là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa mà các thế hệ cha ông trao truyền lại, tỉnh Ninh Bình đã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.
Tỉnh Ninh Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đoàn thể Trung ương, sự chung sức, đồng lòng của các nhân sĩ, trí thức cả nước, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ trên cả nước để Ninh Bình thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, sớm đưa Ninh Bình vào danh sách các thành phố sáng tạo của UNESCO và ngọn núi thơ Dục Thúy Sơn - Núi Non nước sớm trở thành di sản tư liệu thế giới.