Ngày thơ Việt Nam trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến

Ngày 12/2 (tức ngày rằm tháng Giêng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, UBND huyện Bình Lục tổ chức Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Chương trình giao lưu Ngày thơ trên quê hương Nguyễn Khuyến, với chủ đề 'Tổ quốc bay lên - Sắc Xuân vườn Bùi'. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 116 năm Ngày mất của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Thực hiện nghi thức kéo Cờ Thơ.

Thực hiện nghi thức kéo Cờ Thơ.

Chương trình Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được tổ chức là dịp để tri ân Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Ông đã để lại những tác phẩm nổi tiếng làm rạng rỡ kho tàng thơ văn của dân tộc.

Tiếp nối và phát huy tinh thần nghệ thuật đó, thế hệ các nghệ sĩ trong tỉnh tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm có giá trị, mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam, đóng góp vào sự phát triển văn học nghệ thuật đất nước.

Đặc biệt, qua chặng đường hơn 20 năm được tổ chức, Ngày thơ Việt Nam đã giúp những người yêu thơ được gặp gỡ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và đầm ấm, lan tỏa một nét văn hóa tốt đẹp mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai bút đầu Xuân.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai bút đầu Xuân.

Phát biểu tưởng niệm 116 năm Ngày mất nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã ôn lại thân thế, sự nghiệp của nhà thơ và khẳng định: 116 năm trôi qua nhưng những áng thơ văn và tư tưởng yêu nước thương dân của ông vẫn được lưu truyền ngày càng rộng rãi làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam. Những di sản văn hóa ông để lại đang được các cấp, các ngành, cùng các thế hệ người dân địa phương quan tâm, bảo vệ, giữ gìn, phát huy, tôn tạo.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại lễ tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại lễ tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Quê hương chốn vườn Bùi hôm nay đang đổi mới từng ngày, với điện, đường, trường, trạm khang trang, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; huyện Bình Lục đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2025. Các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và phát triển, tạo việc làm, thu hút lao động và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Các khu đô thị được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và làm thay đổi diện mạo của một vùng chiêm trũng.

Và cũng tại nơi đây, trong ngày hôm nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với chủ đề “Tổ quốc bay lên” như một lời tri ân sâu sắc và tiếp nối tinh thần của các bậc thi nhân. Sự kiện này không chỉ tôn vinh những áng thơ bất hủ, mà còn lan tỏa nguồn cảm hứng, tạo động lực và khí thế khởi đầu một năm mới tràn ngập yêu thương, hạnh phúc.

Tiết mục ngâm thơ tại Ngày thơ Việt Nam.

Tiết mục ngâm thơ tại Ngày thơ Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chương trình Ngày thơ trên quê hương Nguyễn Khuyến còn có hoạt động: Nghi thức kéo Cờ Thơ là phần giao lưu Ngày thơ Việt Nam trên quê hương Nguyễn Khuyến với các bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (Lý Thường Kiệt), “Nguyên Tiêu” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), “Ngày xuân dạy các con” (Nguyễn Khuyến) và nghi thức khai bút tân xuân, giao lưu thơ xuân và nghi thức thả thơ.

 Tái hiện trường thi Hương thời phong kiến.

Tái hiện trường thi Hương thời phong kiến.

Cùng ngày, Chương trình Ngày thơ trên quê hương Nguyễn Khuyến còn có hoạt động triển lãm “Tái hiện không gian Tết xưa và tái hiện không gian văn hóa, giáo dục, thi cử phong kiến”; trải nghiệm, check-in cách làm tranh Đông Hồ và tò he; “Trưng bày báo Xuân Ất Tỵ và các ấn phẩm về nhà thơ Nguyễn Khuyến”; thầy đồ cho chữ và các trò chơi dân gian; các gian hàng trưng bày ảnh đẹp du lịch, các gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương, của tỉnh.

Tái hiện hoạt động thầy đồ cho chữ đầu năm.

Tái hiện hoạt động thầy đồ cho chữ đầu năm.

Khu Từ đường Nguyễn Khuyến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Nơi đây đã trở thành địa chỉ văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, tấm gương đạo đức của nhà thơ cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngay-tho-viet-nam-tren-que-huong-tam-nguyen-yen-do-nguyen-khuyen-post859686.html
Zalo