Sau Tết đất nền 'nhảy múa', chuyên gia cảnh báo nóng
Sau Tết Ất Tỵ, thị trường bất động sản ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực, trong đó đất nền là loại hình dẫn đầu về nhu cầu mua, với lượng tìm kiếm tăng 2-3 lần, theo Batdongsan.
Tính riêng nửa đầu tháng 2, lượt tìm kiếm đất nền trên cả nước tăng gấp 2-3 lần so với tháng 1. Hà Nội ghi nhận nhu cầu tìm mua đất nền tăng 50 -55%, tập trung ở Long Biên, Hoài Đức, Hà Đông...
Trong khi tại TP HCM, lượt tìm kiếm đất nền tăng 45-50% so với tháng trước, nhưng co cụm về khu vực TP.Thủ Đức (quận 9 cũ).
Không riêng Hà Nội và TP.HCM, phân khúc đất nền cũng chiếm phần lớn nhu cầu tìm mua phát sinh trong tháng ở các địa phương như Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương...
Tại Đà Nẵng, lượt tìm kiếm đất nền chiếm 45% nhu cầu mua nhà đất. Đồng Nai và Long An cũng có gần 60% nhu cầu mua rơi vào phân khúc đất nền, còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu tỷ lệ này chiếm 40%. Đất nền cũng là phân khúc dẫn đầu lực cầu tại Bình Dương, vượt chung cư và nhà phố.

Đất nền được dự báo tiếp tục dẫn sóng thị trường, song chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần tránh lao vào những cơn sốt.
Trước đó, theo số liệu từ Viện nghiên cứu Datxanh Services, sau tháng 1 ảm đạm vì nghỉ Tết, bước sang nửa đầu tháng 2, diễn biến nguồn cung mới trên thị trường bất động sản dồi dào nhờ phần lớn doanh nghiệp bất động sản khai xuân sớm.
Trong đó, phân khúc đất nền ghi nhận giao dịch sôi động ở các khu vực vùng ven như Long An, Đồng Nai và Cần Giờ (TP.HCM), với giá trung bình 15-55 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, khi mức giá và sức cầu đất nền TP.HCM vào ray phục hồi đã kéo theo thị trường đất nền các tỉnh vùng ven ấm hơn. Nhiều nhà đầu tư đánh giá đây là thời điểm khởi đầu của chu kì đất tỉnh. Giai đoạn 2026-2027, giá bán sẽ bật tăng trở lại.
Tiềm năng là hiện hữu, tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tượng “nóng sốt” và tăng giá bằng lần như giai đoạn trước sẽ khó lặp lại trong năm 2025. Các nhà đầu tư có nhu cầu lướt sóng cần thận trọng, đặc biệt là khi sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc DKRA Group nhìn nhận đất nền tỉnh sẽ có cơ hội trong thời gian tới do các quy định chặt chẽ hơn trong phân lô, bán nền ở các đô thị. Tuy nhiên, để khởi sắc về nguồn cung và sức cầu cần có thêm thời gian.
Theo ông Thắng, năm 2025 phân khúc đất nền dự kiến tăng nhưng khó có sự đột biến. Số đất nền được chào bán dao động từ 3.000-3.500 nền, phân bổ tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Những khu vực còn lại như TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, Cần Thơ vẫn duy trì tình trạng khan hiếm.
"Luật Kinh doanh bất động sản cấm các dự án bán nền tại các phường, quận thuộc đô thị loại III trở lên, dẫn đến nguồn cung bị thu hẹp. Điều này buộc các dự án mới phải chuyển hướng triển khai tại các khu vực xa trung tâm hơn, như ở các xã hoặc đô thị loại IV trở xuống", ông Thắng phân tích.
Trong khi đó, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes, đánh giá dù thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự sôi động trở lại. Ở phía Bắc, thị trường nhà đất Hà Nội sẽ không có sự tăng mạnh về giá như năm 2024.
Với các tỉnh giáp Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… không còn hiện tượng bán cắt lỗ, giá đất đã tăng trở lại từ năm 2024. Các khu vực từ Thanh Hóa đổ vào, thị trường vẫn còn yếu, mức giá đang thấp hơn so với đỉnh trước đó và chưa thể tích cực ngay trong năm 2025.
Nhìn chung, thị trường đất nền dù nhiều tiềm năng song vẫn còn nhiều ẩn số, vì vậy chuyên gia cảnh bảo nhà đầu tư cần tính toán cẩn trọng, tránh lao vào các cơn sốt cục bộ hoặc đầu tư theo đám đông. Thay vào đó, nhà đầu tư cần lựa chọn thị trường gắn liền với cơ sở phát triển kinh tế, hạ tầng, hướng đến sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín, pháp lý hoàn chỉnh.
Tiếp đó là phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với năng lực tài chính, không sử dụng đòn bẩy quá nhiều. Đồng thời, cần tìm hiểu nhu cầu bất động sản đó tại khu vực có cao không, hướng đến người dùng cuối cùng, tức là sản phẩm đó có phục vụ nhu cầu ở hay không.