Dự án nhà máy xử lý rác 1.000 tấn ở Đà Nẵng vẫn 'bất động trên giấy' sau 4 năm
Sau 4 năm thông qua chủ trương đầu tư, dự án nhà máy xử lý rác thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm ở Đà Nẵng vẫn 'bất động trên giấy'. Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan.
Dự án vẫn “trên giấy”
Năm 2020, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác có công suất 1.000 tấn/ngày đêm, theo hình thức đối tác công tư (PPP) do liên danh nhà đầu tư đề xuất.
Từ đó đến nay, lượng rác thải ngày càng tăng, hộc rác số 5 lấp đầy, TP đã xây hộc rác số 6 nhưng nhà máy 1.000 tấn vẫn “trên giấy”.
Đến ngày 20/2, với 37/49 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 74%), HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua nghị quyết bãi bỏ chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm, theo hình thức PPP do nhà đầu tư đề xuất nói trên.
Theo tờ trình, lý do bãi bỏ vì hiện nay báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt do có một số nội dung không đạt.

Bãi rác Khánh Sơn ở Đà Nẵng, nơi sẽ thực hiện dự án. Ảnh: H.G
Cụ thể, diện tích đề xuất cho dự án, sản lượng các sản phẩm tái chế và thu hồi có thể không đạt mục tiêu của dự án; tiêu chí lựa chọn công nghệ chưa phù hợp, công nghệ lựa chọn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí yêu cầu, không phân tích các rủi ro kỹ thuật và kế hoạch giảm thiểu rủi ro, tổng mức đầu tư thấp…
UBND TP cũng thống nhất vẫn tiếp tục thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, lần này thẩm quyền giao cơ quan nhà nước lập, trình thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư (thay cho việc nhà đầu tư sẽ đề xuất chủ trương đầu tư dự án như trước đây).
Mặt khác, nội dung đề xuất dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm mới có nhiều nội dung thay đổi so với nội dung dự án do nhà đầu tư đề xuất đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cuối năm 2020.
Cụ thể, thay đổi về loại hợp đồng, diện tích dự án, công nghệ, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, cơ cấu nguồn vốn, khung giá dịch vụ, cơ chế đảm bảo nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, thời gian thực hiện dự án
Làm rõ trách nhiệm vì chậm trễ xây nhà máy xử lý rác
Việc đề xuất bãi bỏ chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nêu ý kiến tại kỳ họp, đại biểu Đinh Vui, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho hay, hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu 2024 không có quy định về điều kiện, căn cứ, trình tự liên quan đến việc hủy (bãi bỏ) chủ trương đầu tư dự án PPP.

5 hộc rác tại bãi rác Khánh Sơn đã lấp đầy. Ảnh: H.G
Đồng thời, nghị quyết năm 2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND TP ban hành đúng thẩm quyền không trái với quy định của pháp luật và một số nội dung vẫn còn phù hợp với chủ trương hiện nay của TP (mục tiêu đầu tư, hình thức đầu tư, địa điểm đầu tư và công suất thiết nhà máy).
Do đó, việc đề nghị xuất hủy (bãi bỏ) chủ trương đầu tư dự án nhà máy chất thải rắn 1.000 tấn đêm/ngày theo hình thức PPP đã được HĐND TP phê duyệt tại nghị quyết năm 2020 là không có cơ sở pháp lý để xem xét, quyết định.
Còn đại biểu Vũ Quang Hùng cho rằng, trước đây HĐND TP ban hành nghị quyết năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định mới thì HĐND thành phố bãi bỏ nghị quyết này là phù hợp và cần “thực hiện nhanh gọn” để giao lại cho thành phố tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền.
Cũng ủng hộ đề xuất bãi bỏ nghị quyết năm 2020 và thống nhất giao thẩm quyền cho UBND TP, đại biểu Nguyễn Thành Tiến kiến nghị UBND TP có những giải pháp cam kết triển khai dự án, không thể để chậm trễ vì liên quan đến an ninh môi trường.

Ông Ngô Xuân Thắng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo làm rõ việc dự án chậm tiến độ. Ảnh: Thủy Nhi
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, khi ban hành nghị quyết năm 2020, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và HĐND quyết định nội dung bên trong của nghị quyết, khi gắn đề xuất của nhà đầu tư. Dự án kéo dài nhưng không được triển khai đã khiến nhiều đại biểu bức xúc, đến nay xem như “phải làm lại từ đầu”.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, việc bãi bỏ nghị quyết năm 2020, không có nghĩa là kết thúc, hủy đi những việc trước đó mà HĐND đang chuyển giao thẩm quyền cho UBND TP trên việc xem xét quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, ông Ngô Xuân Thắng cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân do để dự án chậm tiến độ. Sau khi có kết quả xử lý, báo cáo về HĐND thành phố.