Sau 3 năm, Mỹ quay ngoắt 180 độ đứng về phía Nga ở Liên hợp quốc

Mỹ cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án vai trò của Nga trong cuộc chiến Ukraine của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Động thái đánh dấu mốc thay đổi đáng kinh ngạc so với nhiều năm chính sách của Mỹ, đúng vào dịp tròn 3 năm cuộc chiến ở Ukraine diễn ra. Việc bỏ phiếu chống lại nghị quyết do Ukraine và châu Âu hậu thuẫn khiến Mỹ bất đồng quan điểm với các đồng minh lâu năm của mình ở châu Âu.

Nghị quyết của Đại hội đồng do châu Âu hậu thuẫn được thông qua với 93 phiếu thuận. Bên cạnh kêu gọi giảm leo thang, văn bản cũng yêu cầu Nga “ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận”.

Mỹ cũng đưa ra nghị quyết riêng tại Đại hội đồng nhưng sau đó bỏ phiếu trắng khi một số sửa đổi được thông qua, nhằm tăng cường chỉ trích Nga và tái khẳng định toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Kết quả bỏ phiếu được công bố trong cuộc họp dự thảo nghị quyết, Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, vào dịp kỷ niệm 3 năm xung đột Nga-Ukraine, ở trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ngày 24/2. (Ảnh: Reuters)

Kết quả bỏ phiếu được công bố trong cuộc họp dự thảo nghị quyết, Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, vào dịp kỷ niệm 3 năm xung đột Nga-Ukraine, ở trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ngày 24/2. (Ảnh: Reuters)

Mỹ một lần nữa đề xuất nghị quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cuối ngày 24/2, và một lần nữa bỏ phiếu theo cùng cách với Nga. Nghị quyết không chỉ trích vai trò của Nga trong cuộc chiến hay thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nghị quyết được thông qua với 10 phiếu thuận, 5 phiếu trắng của 5 thành viên châu Âu.

Sự liên kết gây sốc của Mỹ với Nga tại Liên hợp quốc diễn ra khi chính quyền ông Trump theo đuổi các cuộc thảo luận với Moskva về việc chấm dứt chiến tranh còn Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Các đối tác châu Âu nhanh chóng điều chỉnh theo sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp ông Trump tại Nhà Trắng.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya ca ngợi nghị quyết ngắn gọn gồm ba đoạn văn của Mỹ là điểm khởi đầu cho những nỗ lực trong tương lai hướng tới một giải pháp hòa bình. "Văn bản mà chúng tôi thông qua không phải là văn bản lý tưởng, nhưng về bản chất, đây là nỗ lực đầu tiên để có một sản phẩm mang tính xây dựng và hướng tới tương lai của Hội đồng, trong đó nói về con đường hướng tới hòa bình, thay vì thổi bùng xung đột".

Đại biện lâm thời Mỹ Dorothy Shea gọi việc thông qua nghị quyết là hành động đầu tiên của Hội đồng Bảo an "kêu gọi kiên quyết chấm dứt xung đột".

Tuy nhiên, các đối tác châu Âu có những lời lẽ mạnh mẽ về nghị quyết này. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward phát biểu: “Không ai muốn hòa bình hơn Ukraine, nhưng các điều khoản của hòa bình đó rất quan trọng. Chỉ có một nền hòa bình công bằng, một nền hòa bình tôn trọng các điều khoản trong hiến chương của chúng ta mới có thể tồn tại lâu dài".

Phương Anh (Nguồn: CNN )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sau-3-nam-my-quay-ngoat-180-do-dung-ve-phia-nga-o-lien-hop-quoc-ar928116.html
Zalo