EU đề xuất một thỏa thuận 'đôi bên cùng có lợi' cho Ukraine
Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh ông Trump tuyên bố Washington 'sắp' ký một thỏa thuận với Ukraine về quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của nước này.
Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa cho Ukraine một thỏa thuận của chính khối 27 quốc gia về "nguyên liệu tối quan trọng".
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington "sắp" ký một thỏa thuận với Kiev về quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Ukraine.
Ủy viên Chiến lược Công nghiệp của EU Stéphane Séjourné cho biết, ông đã đưa một đề xuất cho các quan chức Ukraine mà ông đã gặp tại Kiev trong chuyến thăm của Ủy ban châu Âu (EC) nhân dấu mốc 3 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu.
"21 trong số 30 nguyên liệu tối quan trọng mà châu Âu cần có thể được Ukraine cung cấp theo quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi", ông Séjourné, người từng giữ chức Ngoại trưởng Pháp, cho biết hôm 24/2.
"Giá trị gia tăng mà châu Âu mang lại là chúng tôi sẽ không bao giờ yêu cầu một thỏa thuận không có lợi cho cả hai bên", ủy viên EU lưu ý một cách rõ ràng nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào về thỏa thuận tiềm năng nói trên, theo trang Politico EU.

Ông Zelensky tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu ở Kiev, ngày 24/2/2025. Ảnh: Getty Images
Chủ đề về tài nguyên khoáng sản đã trở nên gây tranh cãi trong quan hệ giữa Ukraine và Mỹ. Ông Trump đã đưa ra những lời đề nghị ngày càng tăng đối với Ukraine về quyền khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này, yêu cầu bồi thường lên tới 500 tỷ USD cho sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của Moscow.
Cho đến nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối ký 2 dự thảo thỏa thuận do chính quyền Trump đề xuất, với lý do các điều khoản – mà tờ New York Times đưa tin, bao gồm Kiev từ bỏ khoáng sản, doanh thu từ dầu khí, cộng với thu nhập từ cảng và cơ sở hạ tầng khác lên tới 500 tỷ USD – là quá khắc nghiệt.
"Tôi sẽ không ký những gì mà 10 thế hệ người Ukraine sẽ phải trả", ông Zelensky phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 23/2.
Nhưng ông Trump hôm 24/2 nhấn mạnh rằng, Ukraine và Mỹ đang "rất gần với một thỏa thuận cuối cùng" về quyền khai thác khoáng sản, và rằng nó sẽ bao gồm "đất hiếm và nhiều thứ khác", bổ sung thêm rằng ông Zelensky có thể sẽ đến Washington "tuần này hoặc tuần tới" để ký thỏa thuận.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển", ông Trump nói về thỏa thuận khoáng sản trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên tới hội đàm với ông kể từ khi vị chính trị gia tỷ phú Mỹ nhậm chức nhiệm kỳ 2.
Kiev đã đề nghị ký thỏa thuận tại Washington trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo hai nước, và "gần như tất cả các chi tiết quan trọng" đã được hoàn thiện, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Olga Stefanishyna cho biết trong một bài đăng trên X/Twitter vào đầu ngày 24/2.
"Các cuộc đàm phán đã diễn ra rất mang tính xây dựng, với gần như tất cả các chi tiết quan trọng đã được hoàn thiện", bà Stafhishyna cho biết. "Chúng tôi cam kết hoàn tất việc này một cách nhanh chóng để tiến hành ký kết".
"Chúng tôi hy vọng cả các nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine có thể ký và xác nhận thỏa thuận tại Washington sớm nhất để thể hiện cam kết của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới", vị quan chức Ukraine nói thêm.
Ukraine nắm giữ các mỏ khoáng sản và nguyên tố quan trọng khổng lồ, từ lithium đến titan, cục kỳ cần thiết đối với việc sản xuất các công nghệ hiện đại và rất được thèm muốn trong cuộc chạy đua giành tài nguyên toàn cầu.
Quốc gia Đông Âu cũng có trữ lượng than khổng lồ, cũng như dầu, khí đốt và uranium, nhưng phần lớn nằm trong các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Minh Đức (Theo Politico EU, NY Post)