Hòa bình sẽ sớm lập lại ở Ukraine?
Các cuộc đàm phán toàn diện đầu tiên giữa Nga và Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Những kết quả hữu hình đạt được, đặc biệt là không khí xây dựng, tích cực trong các cuộc đàm phán giữa hai nước càng khiến cộng đồng quốc tế có quyền tin về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine sẽ đến sớm.
Bước ngoặt trên bàn đàm phán sau 3 năm
Có thể nói, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng các kênh đàm phán giữa Nga và Mỹ lại diễn ra sớm đến thế. Mặc dù chưa đạt được kết quả nào mang tính đột phá, những không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà các cuộc đàm phán mang lại.
Như các nhà đàm phán Nga, đặc biệt là Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã lưu ý, bước đột phá chính trong quan hệ giữa Moscow và Washington chính là việc các cường quốc ngồi vào bàn đàm phán và sẵn sàng trao đổi quan điểm.
Trong 3 năm qua, hầu như mọi kênh tương tác đều bị phá hủy do sự đồng thuận cao của Mỹ và các nước châu Âu trong vấn đề Ukraine khi tăng cường cô lập ngoại giao và siết chặt cấm vận kinh tế Nga. Cùng với đó, việc các nước phương Tây không ngừng viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine càng đẩy tình hình thêm rối ren, bế tắc.
Điểm cần lưu ý trong những năm gần đây là việc Washington đã liên kết mối quan hệ với Nga ở cả cấp độ song phương và đa phương với cuộc khủng hoảng Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chấp nhận đóng băng những thành quả hợp tác lâu dài giữa hai nước, vốn không bị gián đoạn ngay cả trong thời kỳ khó khăn của Chiến tranh Lạnh, để hỗ trợ cho quân đội Ukraine, mà theo quan điểm của Nga, là nhằm tìm kiếm một thất bại của Nga trên chiến trường Ukraine.

Ảnh minh họa: AI
Tuy nhiên, tình hình trên thực tế lại có vẻ không như Mỹ và châu Âu mong muốn. Nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, vai trò, vị thế quốc tế của Nga không ngừng được củng cố. Năm 2024, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến sự lớn mạnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm trong năm 2024 càng làm sâu sắc hơn những thành tựu mà Nga đạt được. Trong khi đó, ở châu Âu hàng loạt các vấn đề nảy sinh. Tình trạng nợ công ngày càng phình to, trong khi đó các đảng đối lập đòi chấm dứt sự ủng họ dành cho Kiev không ngừng lớn mạnh, đặt ra nhiều thách thức chính trị đối với các đảng cầm quyền.
Ngay tại Mỹ, sự ủng hộ của Đảng Dân chủ đối với dự án “chống Nga” nhanh chóng chấm dứt khi ứng viên Cộng hòa Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Không khí căng thẳng bao trùm tại Hội nghị An ninh Munich và những lời lẽ công kích của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đối với châu Âu, đã trở thành dấu hiệu rõ ràng cho sự kết thúc của một kỷ nguyên. Và phương Tây chỉ có thể tự trách mình vì đã đẩy nhanh những quá trình này.
Kênh ngoại giao đã được khai thông
Trong bối cảnh đó, những động thái ngoại giao gần đây giữa Nga và Mỹ đã cho thấy trách nhiệm của hai cường quốc đối với các vấn đề ổn định chiến lược và khủng hoảng khu vực đang nổi lên. Ở Ả Rập Xê Út, mặc dù các kết quả đạt được chưa thể tạo ra được bước đột phá, nhưng lại có ý nghĩa biểu tượng quan trọng.
Việc 2 nước lớn khôi phục đối thoại và sự xuất hiện của những thỏa thuận thực tế đầu tiên, bao gồm việc gỡ bỏ các hạn chế do Mỹ khởi xướng đối với công việc của các phái bộ ngoại giao, đã trở thành một tín hiệu tích cực cho sự cải thiện toàn bộ tình hình quốc tế.
Chỉ bằng cách thông qua các kênh ngoại giao, các cuộc tiếp xúc thì việc phát triển dần dần các mối quan hệ và xây dựng lòng tin chiến lược giữa các bên. Khi đó, không chỉ hòa bình lập lại ở Ukraine, mà còn có thể ngăn chặn sự xuất hiện của các cuộc khủng hoảng tương tự mới trong tương lai.
Tất nhiên, con đường phía trước còn rất dài và chông gai. Mỹ vẫn có những khả năng hủy bỏ các thỏa thuận bất cứ lúc nào vì lý do nội bộ. Việc lập kế hoạch dài hạn có thể sẽ khó khăn, vì chỉ trong 4 năm nữa, sẽ lại có một tổng thống mới tại Nhà Trắng, có thể sẽ lại là ứng viên của đảng Dân chủ có chủ trương, đường lối không giống như Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, các lực lượng chính trị đối lập ở Mỹ, lãnh đạo các nước châu Âu và chính quyền Kiev, vốn đang lo ngại bị “gạt sang một bên”, không loại trừ khả năng sẽ tìm mọi cách để phá vỡ tiến trình đàm phán.
Thế giới đã phải đối mặt với quá nhiều vấn đề kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cách đây 3 năm. Không chỉ người dân và đất nước Ukraine, Nga, mà cả thế giới đã phải chịu tác động nặng nề từ cuộc chiến tranh.
Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cuộc xung đột Ukraine khiến cộng đồng quốc tế lo ngại các nước sẽ ưu tiên sử dụng sức mạnh quân sự, thay vì giải pháp ngoại giao, trong giải quyết các tranh chấp.
Mặc dù, chìa khóa thành công vẫn còn nằm ở phía trước với không ít chông gai, nhưng các cuộc đàm phán Nga-Mỹ thời gian gần đây cho phép cộng đồng quốc tế tin về một giải pháp hòa bình cuối cùng cho vấn đề Ukraine.