Sáp nhập xã, phường: Phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng và duy trì đặc thù riêng
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các xã đang được các địa phương ráo riết thực hiện để Bộ Nội vụ hoàn thành đề án sáp nhập tỉnh, xã 2025, trình Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5.

Yếu tố tự nhiên như lòng sông được Hà Nội sử dụng để xác định ranh giới, tạo liên kết qua giao thông đường thủy và đặc trưng văn hóa, sinh thái khi sáp nhập các phường, xã. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các địa phương đang sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các yếu tố địa lý tự nhiên và không gian văn hóa lịch sử. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quản lý nhà nước mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững và toàn diện của cộng đồng dân cư.
Tái cấu trúc theo trục giao thông, yếu tố tự nhiên
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước. Do đó, khi xây dựng phương án sáp nhập xã, phường, thành phố đã nghiên cứu tính phù hợp trong quản lý đối với các khu vực kinh tế và công nghệ cao, trung tâm tài chính và các khu đô thị hiện đại theo mô hình TOD (phát triển đô thị tích hợp giao thông đường sắt). Hà Nội cũng ưu tiên khai thác các trục giao thông chính làm ranh giới phân định để tối ưu hóa quản lý, khơi thông tiềm năng và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Trong quá trình tái cấu trúc, yếu tố tự nhiên như lòng sông được Hà Nội sử dụng để xác định ranh giới, tạo liên kết qua giao thông đường thủy và đặc trưng văn hóa, sinh thái. Điển hình của việc sắp xếp lại địa giới hành chính theo nguyên tắc này là phường Hồng Hà dự kiến hình thành mới từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích, dân số của nhiều phường khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc 5 quận nội thành, kéo dài từ cầu Nhật Tân qua cầu Vĩnh Tuy với diện tích 16,61 km2, dân số 126.000 người.
Lòng sông là ranh giới tự nhiên, ổn định, dễ nhận biết và thuận lợi cho quản lý. Sông ngòi vừa phân chia địa giới hành chính, vừa tạo liên kết qua giao thông đường thủy và đặc trưng văn hóa, sinh thái vùng ven sông. Do đó, việc sáp nhập các phường có cùng điều kiện tự nhiên này sẽ tạo thuận lợi trong việc tối ưu hóa quản lý nhà nước.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh trong buổi trả lời cử tri ngày 18/4 rằng phương án sáp nhập phường xã lần này của Hà Nội sẽ tập trung vào việc tổ chức các khu vực trục động lực phát triển và các yếu tố đặc thù trong một đơn vị hành chính mới. Mục tiêu là xây dựng các đơn vị hành chính "sát dân, gần dân," đảm bảo không gian phát triển dài hạn, trở thành cực tăng trưởng và dẫn dắt sự phát triển của các vùng lân cận và khu vực đồng bằng sông Hồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội có yêu cầu đặc biệt trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở như bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng quốc gia như Hoàng thành Thăng Long, thành cổ Cổ Loa, và khu vực phố cổ. Khu vực trung tâm chính trị-hành chính quốc gia và các làng nghề truyền thống, khu di tích tâm linh cũng được chú trọng khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Giữ nguyên những xã đặc thù
Mỗi địa phương khi tính toán phương án sáp nhập xã, phường đều tính toán để đảm bảo tỷ lệ giảm 60-70% và tuân thủ các tiêu chí của Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Ngày 23/4, tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh giảm thêm 10 xã, phường so với phương án ban đầu, thay vì sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 88 xuống còn 78 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 66,52%. Đà Nẵng cũng vừa điều chỉnh phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn 16 đơn vị thay vì 19 đơn vị như phương án ban đầu.

Tại các khu vực đô thị, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ sáp nhập 3-5 phường, xã lại thành một phường, xã mới. (Ảnh: TTXVN)
Nếu như ở các khu vực đô thị, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ sáp nhập 3-5 phường, xã lại thành một phường, xã mới thì tại các xã có đặc thù về điều kiện tự nhiên miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia sẽ giữ nguyên không sáp nhập.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã phường, giảm được là 381 đơn vị, tương ứng tỷ lệ 69,65%. Đáng chú ý, trong đợt sắp xếp lần này, huyện Mường Lát sẽ giữ nguyên 8 xã, thị trấn như hiện tại để bố trí thành 8 xã mới.
Theo lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân giữ nguyên 8 xã là do Mường Lát thuộc huyện biên giới, việc giữ nguyên địa giới hành chính nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tại Nghệ An, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã thông qua Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Theo đó, sau sắp xếp còn 130 đơn vị (gồm 11 phường, 119 xã); giảm 282 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 243 xã, 22 phường và 17 thị trấn (tỷ lệ giảm 68,45%). Nghệ An có cũng 9 xã được giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp, đều thuộc các huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỉnh Đắk Nông và Tuyên Quang cũng có 3 xã không thực hiện sáp nhập.
Quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại Việt Nam trong năm 2025 là một bước tiến quan trọng trong việc cải tổ hệ thống hành chính, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững. Các địa phương đang nỗ lực thực hiện kế hoạch này theo nguyên tắc công khai, minh bạch và có sự tham gia của người dân. Đến nay, một số địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến và thông qua đề án, nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh của địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tháng 4/2025 là thời điểm Bộ Nội vụ tập trung cao độ cho nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước 30/6. Ngày 1/7 sẽ là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành và ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy sau khi sắp xếp, tổ chức lại sẽ đi vào hoạt động chung./.
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 nêu rõ việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Khi sắp xếp phải cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án sắp xếp phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.