Bỏ cấp huyện, mỗi xã sẽ có 2 ô tô công, trụ sở dôi dư có thể cho thuê

Cấp xã sẽ được trang bị tối đa 2 xe ô tô để phục vụ công tác. Sau khi hoàn thành việc bố trí phục vụ các mục tiêu ưu tiên, quỹ nhà, đất dôi dư sẽ được thu hồi và chuyển giao cho địa phương quản lý. Tài sản này có thể được cho thuê.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) trao đổi với báo chí ngày 24/4 liên quan đến vấn đề sắp xếp, bố trí và xử lý trụ sở công, tài sản công khi sắp xếp tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Cấp xã sẽ được trang bị ô tô

Khi thay đổi đơn vị hành chính, chức năng nhiệm vụ giữa cấp huyện, xã và tỉnh cũng thay đổi. Vì vậy, theo ông Thịnh, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến điều chỉnh tiêu chuẩn định mức sử dụng diện tích làm việc, phương tiện, trang thiết bị phù hợp.

Với xe ô tô, sẽ cơ cấu lại giữa cấp tỉnh, cấp xã để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các cấp này trong bối cảnh mới theo hướng cấp xã sẽ được trang bị ô tô để phục vụ công tác, ông Thịnh thông tin.

Cụ thể, theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2023/NĐ-CP, cấp xã sẽ được trang bị tối đa 2 xe ô tô để phục vụ công tác.

Như vậy, ước tính có khoảng 6.000 xe cần được trang bị. Tuy nhiên, với số xe cấp huyện hiện nay chuyển xuống cấp xã cũng tương đương, đảm bảo không làm tăng tổng số xe.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, không để lãng phí

Ông Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có để phục vụ bộ máy mới. Những cơ sở nhà, đất còn dôi dư sau sắp xếp sẽ được xử lý theo các hình thức quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Thực hiện theo chỉ đạo, Bộ Tài chính hướng dẫn, sau khi bố trí sắp xếp xong, những trụ sở dôi dư sẽ được ưu tiên bố trí phục vụ y tế, giáo dục, sử dụng vào mục đích công cộng. Phần còn lại sẽ giao cho các tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà để quản lý, khai thác hiệu quả.

Trường hợp cần xử lý tài sản thông qua giao đất, cho thuê đất hoặc đấu giá, sẽ thực hiện theo quy định pháp luật đất đai, tạo nguồn lực cho ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng các công trình mới.

Tuy nhiên, cần có sự điều hòa hợp lý giữa các cơ quan trong cùng một bộ, một địa phương; đồng thời giữa Trung ương và địa phương, để sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất công.

Ông Thịnh cho hay, sau khi thực hiện cho các mục tiêu ưu tiên theo chỉ đạo của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính, theo quy định, những tài sản đó sẽ được thu hồi, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý.

Sau khi thu hồi về địa phương, chính quyền sẽ thực hiện giao đất, cho thuê đất. Trường hợp nào cần đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư và trường hợp nào được giao đất, đều sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Ảnh: Nguyễn Lê

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Ảnh: Nguyễn Lê

Ông Thịnh nhấn mạnh, Nghị định 50/2025 của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc xử lý đối với các tài sản trên đất khi Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương yêu cầu kiện toàn sớm tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương.

Đặc biệt, cần phát huy vai trò các tổ chức phát triển quỹ đất để bảo vệ, bảo quản tài sản; có thể cho thuê nhà, đất dôi dư để tạo nguồn thu cho ngân sách và chi phí bảo trì, duy tu tài sản công.

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 11.000 cơ sở nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, việc xử lý đối với tài sản công trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhiệm vụ này không thể giải quyết “một sớm một chiều” là xong, cần có thời gian.

“Muốn chuyển đổi công năng, cho thuê hay bố trí cho các cơ quan đơn vị sử dụng vào mục đích khác thì phải điều chỉnh quy hoạch”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản còn phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội, có sự biến động trong quá trình thực hiện xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Có nơi nhu cầu cao, đặc biệt nơi được chọn làm trung tâm chính trị hành chính và tại nơi không được chọn, nhu cầu sẽ giảm đi.

Do đó, trong việc quản lý tài sản, Bộ Tài chính đã gửi văn bản nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, không để xảy ra lãng phí.

Ông Thịnh lưu ý, trong bối cảnh phát sinh tài sản công dôi dư, có thể áp dụng hình thức xã hội hóa tài sản công, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tài sản có thể được cho thuê, liên doanh, liên kết, hoặc sử dụng vào mục đích kinh doanh đúng pháp luật.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-cap-huyen-moi-xa-se-co-2-o-to-cong-tru-so-doi-du-co-the-cho-thue-2394728.html
Zalo