Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Làm nhanh nhà ở xã hội, đừng xây móng rồi để đó
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội. Những dự án nào xây xong rồi mới tính đến việc giao thêm cho các chủ đầu tư dự án mới.
Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra tiến độ thực hiện xây dựng các dự án nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (bên phải, ngoài cùng) nghe báo cáo tiến độ dự án nhà ở xã hội thuộc Dự án số 1 trung tâm TP Thanh Hóa (Tập đoàn Vin Group làm chủ đầu tư).
Tại Thanh Hóa, đoàn công tác đã kiểm tra dự án Nhà ở công nhân khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long; các dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, phường Quảng Thành; dự án nhà ở xã hội thuộc Dự án số 1 trung tâm TP Thanh Hóa và dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía Đông khu công nghiệp Lễ Môn.
Báo cáo Thứ trưởng Sinh, ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: Theo Quyết định số 338 ngày 3/4/2023 của Thủ tướng, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thanh Hóa được giao chỉ tiêu hoàn thành tối thiểu 13.787 căn hộ nhà ở xã hội.
Tại Quyết định số 444 ngày 27/02/2025 của Thủ tướng, trong năm 2025, tỉnh được giao chỉ tiêu phải hoàn thành 5.249 căn.

Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai hàng chục dự án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hơn 5.200 căn nhà ở xã hội trong năm 2025.
Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; tiếp tục chuẩn bị đầu tư đối với 14 dự án khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 1 dự án là Tân Thành ECO2 đã hoàn thành gồm 2 tòa nhà cao 11 tầng với 466 căn hộ.
Ngoài ra, có 12 dự án đang triển khai thực hiện với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 32,24ha, bao gồm 50 khối nhà cao từ 9 - 25 tầng, cung cấp tổng số 11.780 căn hộ.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.870 căn hộ, giá bán dao động trong khoảng từ 12,6 - 20,6 triệu đồng/m2.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cùng đoàn công tác thị sát thực địa tại Ninh Bình.
Tại tỉnh Ninh Bình, đoàn công tác đã đi kiểm tra các dự án ở Khu đô thị mới phía Bắc, tiểu khu IX; Khu đô thị Yên Bình; Khu ký túc xá sinh viên Hoa Lư... Tuy nhiên, dù các dự án đều đã có mặt bằng sạch nhưng đến nay chưa thực hiện xây dựng.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, quỹ đất được quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là 77,64ha.
Toàn tỉnh đã triển khai 10 dự án xây dựng nhà ở xã hội (có 7 dự án độc lập và 3 dự án nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội). Trong đó có 4 dự án đã xác định chủ đầu tư, 5 dự án do các nhà đầu tư quan tâm đề xuất, 1 dự án trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, địa phương sẽ cố gắng phấn đấu vượt chỉ tiêu xây nhà ở xã hội được giao năm 2025.
"Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc chưa xây dựng được một căn nhà ở xã hội nào trên địa bàn.
Điều này cũng xuất phát nhiều nguyên nhân, biến động qua từng giai đoạn như Covid-19; nhu cầu của công nhân trước đây chưa cần thiết vì nhà gần khu công nghiệp... Nhưng đến thời điểm này đã khác", ông Sơn nói và cho biết, tổng mức đầu tư của 10 dự án dự kiến 17.398,14 tỷ đồng, cung cấp khoảng 14.304 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030.
Tỉnh sẽ cố gắng phấn đấu vượt chỉ tiêu được giao năm 2025 là 100 căn và cả giai đoạn 2025 - 2030 là 3.100 căn.

Khu ký túc xá cho sinh viên ở Ninh Bình gồm 4 khu đã xây dựng xong phần thô nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí.
Sau khi thị sát thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị địa phương có các dự án đang triển khai phải tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.
"Cố gắng làm xong phần thô, nhanh chóng hoàn thiện chứ đừng xây móng lên rồi để đó. Việc này cần phải thường xuyên giám sát, kiểm tra.
Những dự án nào xây xong rồi mới tính đến việc giao thêm cho các chủ đầu tư dự án mới", Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư về vật liệu, các thủ tục pháp lý trong phạm vi, thẩm quyền của địa phương.
Những vướng mắc vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng để làm căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
"Chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phát động từ năm 2021. Kế hoạch giao cho Ninh Bình năm 2025 là 100 căn nhưng hiện tại chưa xây được căn nào.
Thời gian tới, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính xong, địa phương cố gắng khởi công 1-2 dự án. Đất có rồi thì nên đẩy nhanh xây dựng. Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng cần có đánh giá kỹ lưỡng để tìm được nhà đầu tư có năng lực. Có như vậy, địa phương mới sớm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh lưu ý.
Đối với Khu ký túc xá sinh viên ở Hoa Lư có tổng mức đầu tư hơn 860 tỷ đồng bị dừng thi công từ năm 2014, gây lãng phí, Thứ trưởng Sinh cơ bản thống nhất với đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, tiếp tục thực hiện hai phân khu.
Còn hai khu chuyển đổi công năng sang nhà công vụ phục vụ cho cán bộ, công viên chức, người lao động sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tình.
Tuy nhiên, việc này UBND tỉnh cần phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.