Sẽ hỗ trợ cho hơn 3.000 người hoạt động không chuyên trách ở Quảng Nam - Đà Nẵng
Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ có nghị quyết hỗ trợ cho hơn 3.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi họ chấm dứt làm việc theo chủ trương mới.
Chiều 24/4, đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.
Rất buồn khi không được sử dụng
Tại đây, cử tri Đỗ Thị Huệ (xã Hòa Liên) nêu những băn khoăn về chủ trương ngừng sử dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
“Ở cấp xã của huyện Hòa Vang, những người hoạt động không chuyên trách như chúng tôi có khối lượng làm việc không thua kém cán bộ công chức xã, giờ rất buồn khi không còn được sử dụng nữa”, bà Huệ chia sẻ và mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm cho nhóm người này, nhất là tạo điều kiện giải quyết việc làm.

Cử tri Đỗ Thị Huệ (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.
Nhiều cử tri cũng tâm tư khi kế hoạch trước đây của Đà Nẵng là nỗ lực đưa huyện Hòa Vang lên thị xã. Khi đó, một số xã trung tâm của huyện sẽ thành phường.
Tuy nhiên, với việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và quyết nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, một số xã có mật độ đô thị hóa cao, đủ điều kiện nâng xã lên phường lại vẫn là xã. Điều này khiến các cử tri có phần lăn tăn, trăn trở.
Trả lời cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho hay, mọi nỗ lực của chính quyền và người dân huyện Hòa Vang lâu nay đều vì mong muốn đạt mục tiêu lên thị xã, một số xã lên phường.
“Đây không chỉ là phấn đấu của một cấp chính quyền mà còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, gần đến đích rồi nhưng có những cái chưa đạt như mong muốn của người dân Hòa Vang”, ông Cường chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường.
Theo ông Cường, xã Hòa Phong nằm ở trung tâm huyện Hòa Vang, có mật độ đô thị hóa cao nhưng theo quyết định mới nhất thì sau sáp nhập vẫn là xã.
Trong khi xã Hòa Bắc ở miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhập với một phường thuộc quận Liên Chiểu và trở thành phường. Điều này khiến cho người dân tâm tư là đúng.
Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, việc là phường hay xã thì điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Chủ trương nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là người dân có cuộc sống ấm no hơn.
Gần 52.000 người đang làm việc
Chia sẻ về vấn đề sáp nhập tỉnh, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng mới theo tính toán có khoảng 94 đơn vị hành chính cấp xã, phường (trong đó có đặc khu Hoàng Sa). Trong đó, Đà Nẵng có 16 đơn vị và Quảng Nam là 78 đơn vị.
Về số lượng biên chế của Đà Nẵng và Quảng Nam theo thống kê hiện nay có 51.995 người đang làm việc. Trong đó, tỉnh Quảng Nam là 32.164 người và Đà Nẵng là 19.619 người.
Về người hoạt động không chuyên trách cấp xã Quảng Nam có 2.620 người, Đà Nẵng có 658 người.

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng.
Theo ông Minh, UBND TP Đà Nẵng có trình HĐND TP dự thảo nghị quyết hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách. Nhưng để có sự đồng bộ về chính sách và tương quan giữa Đà Nẵng – Quảng Nam, ban chỉ đạo của TP đã quyết định để tờ trình này lại, chưa trình trong kỳ họp HĐND TP diễn ra ngày 26/4 mà sẽ nghiên cứu đánh giá để có mức hỗ trợ phù hợp giữa hai địa phương.
Với hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ, trước mắt duy trì hoạt động đến hết năm 2025. Sang năm 2026, TP sẽ giao cho Sở Tài chính báo cáo cấp thẩm quyền để có cơ sở xác định kinh phí và số lượng người làm việc tại các cơ quan, đơn vị.