Sáp nhập 17 phường, Đà Nẵng bố trí cán bộ, công chức dôi dư thế nào?
Từ ngày 1/1/2025, thành phố Đà Nẵng sáp nhập 17 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sáp nhập, thành phố Đà Nẵng còn lại 36 phường và 11 xã, giảm 9 phường so với hiện nay. Dự kiến có 167 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp. Vậy phương án bố trí cán bộ, công chức dôi dư được giải quyết như thế nào?
3 phường Nam Dương, Phước Ninh và Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng sẽ sáp nhập thành phường Phước Ninh mới. Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phải tinh giảm chiếm 2/3. Ông Trần Anh Việt, Phó Bí thư Đảng ủy phường Phước Ninh, quận Hải Châu cho biết, một số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của phường cũng băn khoăn, lo lắng về việc làm sau khi sắp xếp. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã động viên mọi người duy trì công việc, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương chờ bố trí công việc. Hiện nay, địa phương đang tập trung thống kê sổ sách, làm báo cáo để tổng kết năm sớm hơn, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới. Theo đề án, trụ sở UBND phường Phước Ninh hiện tại được sử dụng làm trụ sở phường mới sau khi sáp nhập.
Về phương án sắp xếp cán bộ dôi dư, ông Trần Anh Việt cho biết, thời gian qua, quận Hải Châu đã chủ động điều chuyển một số cán bộ chủ chốt của 3 phường sang làm việc tại các phòng, ban của quận hoặc các địa phương khác: “Trước mắt phải giải quyết bài toán nhân sự cán bộ. Ở phường, sau khi khảo sát ý kiến, anh em cán bộ cũng mong muốn gắn bó với phường, tiếp tục công việc. Bởi vì đội ngũ cán bộ của phường nằm trong độ tuổi lao động. Trước mắt, động viên cán bộ, nhân viên cơ quan làm tốt phần việc của mình, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành làm tốt công tác tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân thấu hiểu được việc sáp nhập là cần thiết”.
Tại thành phố Đà Nẵng, kết quả lấy ý kiến cử tri của các địa phương trong diện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, đa số cử tri, người dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập. Việc sáp nhập góp phần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, người dân cũng lo lắng khi phải mất thời gian và tốn chi phí để làm thủ tục điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan sau khi hình thành phường mới.
Ông Nguyễn Thế Lực, người dân ở tổ 32, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đề nghị, quá trình sáp nhập không làm xáo trộn cuộc sống của người dân: “Bây giờ đi làm lại giấy tờ đất đai, căn cước công dân, con cái đi học như thế nào? Đây là do chủ trương sáp nhập, vì vậy Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ người dân, miễn phí, không phải mất phí khi bà con đi làm thủ tục để thay đổi các loại giấy tờ sau khi sáp nhập phường mới”.
Dự kiến có 167 người, trong đó 54 cán bộ, 69 công chức và 44 người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp 17 phường ở thành phố Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có chủ trương tạm dừng tuyển dụng mới tại các cơ quan hành chính; tạo điều kiện để cán bộ, công chức các phường thuộc diện sáp nhập đủ tiêu chuẩn bố trí làm việc tại các phòng, ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các quận, huyện không thuộc diện sáp nhập. Các quận có phường phải sáp nhập có phương án bố trí cán bộ, công chức dôi dư trong lộ trình 5 năm theo quy định. Quận Thanh Khê có 8 phường phải sắp xếp, dôi dư 79 cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách.
Ông Trương Thanh Toàn, Trưởng phòng Nội vụ quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, theo phương án, 58 người dôi dư được điều động chuyển vị trí công tác, còn lại 21 người được giải quyết chế độ nghỉ việc: “Hiện nay, cơ bản quận đã rà soát, đánh giá được đội ngũ cán bộ chuyên trách phường. Trên cơ sở đó, đơn vị tham mưu phương án bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động, sắp xếp cán bộ phù hợp và nghỉ hưởng chế độ sắp xếp theo Nghị định 79 của Chính phủ và Nghị quyết 43/2024 của HĐND thành phố đảm bảo quyền, lợi ích cao nhất cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính”.
HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 43/2024 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Ngoài các chế độ, chính sách của Trung ương, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thêm cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư phải nghỉ công tác trong giai đoạn 2023 - 2025.
Cụ thể, cán bộ, công chức nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư được hỗ trợ 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng. Cán bộ, công chức nghỉ sau 12 tháng, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư được hỗ trợ 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng. Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư thì số tháng được hưởng hỗ trợ được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu.
Nghị quyết này cũng hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư, tùy theo thời gian nghỉ được hưởng mức hỗ trợ từ 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng hoặc 1/4 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ngoài các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ về tinh giảm biên chế và các chính sách khác, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư phải nghỉ công tác do sắp xếp. Phạm vi áp dụng dành cho các phường gồm các quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà do có sự sắp xếp địa giới, đơn vị hành chính".