Xử phạt mạnh để chấm dứt nạn ngân hàng ép khách mua bảo hiểm

Sau nhiều 'lùm xùm', việc bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng cuối cùng cũng bớt 'điều tiếng', đặc biệt khi tuần qua, Ngân hành Nhà nước (NHNN) đã mạnh tay nâng mức xử phạt lên nửa tỷ đồng với những nhà băng có hành vi ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm.

Trong thời gian qua, câu chuyện đi vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm là vấn đề khiến nhiều khách hàng “kêu trời”. Nhiều người cực chẳng đã, không có vốn thì mới phải đi vay, nhưng với chiêu trò “bán bia kèm lạc”, một số nhà băng liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ép khách mua, coi đó điều kiện bắt buộc mới chịu giải ngân. Số tiền vốn đã ít, lại còn bị “xà xẻo”, nhiều người phải chấp nhận ký hợp đồng mua bảo hiểm để được vay vốn, mặc dù sau đó phải bỏ ngang hợp đồng vì không có tiền đóng tiếp.

Được biết, từ năm 2014 đến trước năm 2023 được coi là "giai đoạn vàng" của hoạt động bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng với tốc độ phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, kể từ năm 2023, sau những lùm xùm như khách hàng bị "ép" mua bảo hiểm, tiền gửi tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm nhân thọ... niềm tin trên thị trường tụt dốc, mảng kinh doanh này bắt đầu rơi vào khủng hoảng, doanh thu tại các ngân hàng giảm mạnh và ảm đạm đến nay.

Ép khách mua bảo hiểm, ngân hàng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Ép khách mua bảo hiểm, ngân hàng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi tới NHNN sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, cử tri tỉnh Khánh Hòa phản ánh: Trong thời gian qua, khi đi vay vốn ở các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại, nhiều trường hợp người vay vốn phải mua các loại bảo hiểm như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… thì mới được giải ngân khoản vay. Vì vậy, cử tri kiến nghị NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi trên để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay.

Trả lời về vấn đề này, NHNN cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm. Điển hình là Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67/2023 đã có nhiều quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, năm 2023, NHNN cũng đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng vào kế hoạch thanh tra tại một số ngân hàng thương mại cổ phần.

Và mới đây nhất, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, NHNN đề xuất quy định phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng nếu các nhà băng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại đến chính sách tiền tệ quốc gia hoặc an toàn hệ thống ngân hàng, vi phạm quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng... Như vậy, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm cấm ngân hàng bán kèm bảo hiểm liên kết đầu tư trong thời hạn trước và sau 60 ngày tính từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, thì việc nâng chế tài xử phạt được cho là động thái mạnh để hạn chế hành vi ép khách vay vốn mua bảo hiểm của một số nhà băng trong thời gian qua.

Trước đó, NHNN và Bộ Tài chính cũng có những động thái mạnh mẽ như lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng. Các chuyên gia nhận định dự thảo Nghị định mới đang được NHNN xây dựng là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh ngân hàng và thiết lập lại niềm tin vào thị trường tài chính.

Thực tế, trong thời gian qua, dịch vụ bán bảo hiểm qua ngân hàng dù bị kêu ca nhiều, nhưng là một mảng đem lại doanh thu tốt cho ngân hàng. Khảo sát từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 9 ngân hàng thuyết minh chi tiết các khoản thu từ hoạt động dịch vụ, thì có có 4 ngân hàng ghi nhận tăng mạnh doanh thu từ bán bảo hiểm, 4 ngân hàng giảm và 1 ngân hàng duy trì mức như cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét tổng doanh thu bảo hiểm của 9 ngân hàng vẫn tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng. Có những ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh như Kienlongbank với mức tăng gần 74%, thu về gần 40 tỷ đồng. Tại VPBank, mức tăng trong 9 tháng đầu năm nay đạt 51,34% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 2.820 tỷ đồng.

Trong khi đó, Techcombank và SeABank ghi nhận mức tăng lần lượt là 29,69%, thu về 594 tỷ đồng, và SeABank tăng 14,29%, đạt 88 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngược với tăng trưởng của các ngân hàng kể trên, báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy thu từ dịch vụ bảo hiểm 9 tháng đầu năm nay của VIB, PGBank, LPBank và TPBank giảm sâu, thậm chí có ngân hàng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Riêng MB đi ngang so với cùng kỳ, đạt 5.989 tỷ đồng, dù không tăng trưởng, nhưng nguồn thu từ bảo hiểm khá lớn và đóng góp tới 57% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/xu-phat-manh-de-cham-dut-nan-ngan-hang-ep-khach-mua-bao-hiem-i751967/
Zalo