Sàng lọc giống nấm giá trị kinh tế cao
Nấm không chỉ được biết đến như một thực phẩm bổ dưỡng chứa nhiều protein và nhiều loại vitamin và các axit amin thiết yếu, không gây xơ cứng động mạch và không làm tăng lượng cholesterol trong máu, mà còn là một loại thực phẩm chức năng với các đặc tính dược lý mạnh mẽ.

Nấm bào ngư được sàng lọc và nuôi trồng tại Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng
Nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng chứa các hợp chất có khả năng chống oxy hóa, chống ung thư và kháng khuẩn, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về tim mạch, mỡ máu, giải độc bảo vệ tế bào gan. Do đó, nấm ăn và nấm dược liệu ngày càng trở thành nguồn tài nguyên quý giá đối với y học và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Trên thế giới có khoảng 2.000 loài nấm ăn được, trong đó có 80 loại nấm ăn ngon, dược lý mạnh được chọn nuôi trồng nhân tạo. Tại Việt Nam, việc nuôi trồng nấm đang ngày càng phát triển với các loại nấm được trồng phổ biến như: nấm mèo (mộc nhĩ), nấm rơm, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm hương, nấm kim châm, linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm mối… Lâm Đồng là nơi có đa dạng sinh học phong phú với 3 vùng khí hậu theo từng độ cao khác nhau từ dưới 500 m đến hơn 1.000 m so với mực nước biển, có độ ẩm cao, lượng mưa lớn, nhiều loài nấm quý phân bố trong tự nhiên. Đồng thời, cũng rất phù hợp cho phát triển sản xuất nuôi trồng quanh năm các loại nấm ăn và nấm dược liệu, đặc biệt là các loại nấm chứa dược tính cao, mang lại giá trị kinh tế như: linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm hầu thủ, nấm vân chi… Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 115 ha trồng nấm với sản lượng khoảng gần 4.500 tấn/năm, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ chế biến, nhất là các loại nấm dược liệu hiện chủ yếu được nuôi trồng tại Lâm Đồng.
Tuy nhiên, ngành nuôi trồng nấm hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề thoái hóa giống. Các giống nấm hiện nay, dù đã được phát triển và sử dụng rộng rãi, nhưng sau một thời gian nuôi trồng từ 8 - 12 vụ (tương đương khoảng 3 - 5 năm), chất lượng và năng suất của chúng giảm đi đáng kể.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong việc sản xuất nuôi trồng nấm, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Sàng lọc và khai thác một số loài nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế”. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2023 với mục tiêu lưu giữ, tuyển chọn và khai thác các giống nấm có giá trị kinh tế, nhằm phát triển nghề nuôi trồng nấm bền vững trên địa bàn tỉnh. Dựa trên cơ sở 91 giống nấm ăn và nấm dược liệu đang được lưu giữ, sau hơn 1 năm thực hiện dự án, nhóm các chuyên gia, kỹ thuật, nhà khoa học của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành đánh giá, sàng lọc và giữ lại những giống nấm có tiềm năng để phát triển trong sản xuất. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: khả năng nuôi trồng ổn định, giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển thương mại, nguồn gốc bản địa và giá trị đa dạng sinh học.
Qua đánh giá, đến nay, Trung tâm đã sàng lọc và giữ lại được 60 giống nấm ăn và nấm dược liệu. Các giống này đã được phân lập và cấy chuyền trên môi trường PDA cải tiến đảm bảo lưu giữ nguồn gen nấm phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo và cung cấp giống nấm cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh có nhu cầu. Trong đó, môi trường PDA (Potato Dextrose Agar) là một môi trường nuôi cấy vi sinh vật phổ biến được tạo ra từ bột khoai tây và đường dextrose; đây cũng là môi trường đa năng cho các loài nấm có thể bổ sung axit hoặc kháng sinh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Thạc sĩ Nguyễn Như Chương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng khẳng định kết quả sàng lọc là một bước quan trọng trong việc tăng cường sản xuất nấm, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và năng suất các giống nấm. Dự án “Sàng lọc và khai thác một số loài nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế” sẽ góp phần phát triển nghề nuôi trồng nấm tại Lâm Đồng, nâng cao giá trị kinh tế cho cộng đồng, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen của các loài nấm bản địa.