Sản xuất nông nghiệp xanh
Nhằm đáp ứng yêu cầu về một nền nông nghiệp xanh, bền vững, bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh.Hiệu quả kinh tế tăngRót chén nước mời khách, bác Nguyễn Thị Hạnh, nông dân xã Toàn Thắng (Kim Ðộng) phấn khởi kể: Vụ đông vừa qua, nông dân trong xã trồng dưa chuột bao tử chế biến và xuất khẩu tuy mất nhiều thời gian nhưng cho thu nhập cao. Với năng suất 1 sào dưa bình quân đạt 1,2 - 1,5 tấn, trừ chi phí, người trồng còn lãi trên 5 triệu đồng/sào. Những năm gần đây, được cán bộ ngành nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, gia đình đã triển khai trồng cây dưa chuột theo hướng hữu cơ. Việc này đòi hỏi phải áp dụng nghiêm ngặt, cẩn thận quy trình sản xuất như: Xác định mật độ cây, duy trì tầng thảm thực vật tạo độ tơi xốp cho đất để cây phát triển, lựa chọn phân bón và thuốc trừ sâu sinh học phù hợp cho từng độ tuổi của cây. Nhờ đó, chất lượng cây và quả được nâng lên, giá thành ổn định.
Ở mỗi địa phương, nông dân có cách làm giàu riêng từ thửa ruộng của mình, song hầu hết nông dân đều đã nhận thức được việc sản xuất nông nghiệp cần phát triển bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đặc biệt sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP hiện nay đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Tại huyện Văn Giang đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả hữu cơ, người dân đã dần quen các biện pháp, kỹ thuật canh tác bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Bà Phan Thị Phúc, xã Liên Nghĩa cho biết: Từ định hướng của địa phương, nông dân đã chủ động đi tìm hiểu mô hình trồng cây ăn quả, cây cảnh theo hướng sản xuất nông nghiệp xanh ở nhiều nơi, sau đó mang những kiến thức đã học hỏi về áp dụng tại địa phương. Thời gian đầu, trong xã chỉ có vài hộ, mỗi hộ chỉ dành vài chục mét vuông đất màu mỡ để trồng thử nghiệm. Chỉ sau một vụ, cây ăn quả, cây cảnh như quất, quýt, bưởi đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, cao gấp 2 đến 3 lần những mô hình trồng thông thường, hàng trăm hộ trong xã đã vươn lên làm giàu.
Tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong tỉnh giảm dần hằng năm, song thu nhập bình quân một héc-ta canh tác ngày càng tăng lên. Hiện nay, mô hình chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập trung bình từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/héc-ta/năm. Mô hình chuyển đổi từ trồng ngô, đậu đỗ... sang sản xuất giống cây ăn quả ở các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Ðộng... cho thu nhập bình quân 1 - 1,5 tỷ đồng/héc-ta/năm; trồng cây dược liệu cho thu nhập trung bình 300 - 400 triệu đồng/héc-ta/năm. Mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm cho thu nhập trung bình 300 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Ở các vùng sản xuất trên đã dần hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
Mở rộng diện tích sản xuất
Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 14,7 nghìn héc-ta trồng cây ăn quả, diện tích gieo cấy lúa cả năm có gần 50 nghìn héc-ta, hơn 5 nghìn héc-ta gieo trồng rau màu; trong số đó, diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP có gần 4,6 nghìn héc-ta, gần 20 héc-ta sản xuất hữu cơ. Từ nông nghiệp xanh và áp dụng các phương pháp canh tác VietGAP, hữu cơ đã tạo ra những sản phẩm sạch. Sạch từ nguyên liệu đến quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Nhờ đó, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, tăng thu nhập cho nông dân.
Ðồng chí Ðỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ðể tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp như: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2023, cùng với phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hộ. Ðồng thời, liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp... Thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất, quản lý nông nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn để có thể sản xuất các sản phẩm xanh, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp xanh của nông dân. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp xanh.