Bài toán nguyên liệu cho cá ngừ đóng hộp chưa có lời giải

Nguồn nguyên liệu trong nước là yếu tố tiên quyết để gia tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Dù đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm nhưng khép lại năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn tăng 17% so với năm 2023, đạt 299 triệu USD. Để có thể tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2025, ngành sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan.

Cá ngừ đóng hộp của Việt Nam cần sớm có lời giải về nguyên liệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế - Ảnh: IT

Cá ngừ đóng hộp của Việt Nam cần sớm có lời giải về nguyên liệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế - Ảnh: IT

Năm 2024 là lần đầu tiên xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đạt mốc 299 triệu USD. Kết quả này càng ấn tượng khi ngành cá ngừ Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản, nguồn nguyên liệu trong nước bị hạn chế...

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, thị trường xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam ngày càng mở rộng. Chỉ tính riêng năm 2024, các sản phẩm này đã xuất được sang hơn 80 nước trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Israel, Đức, Libanon và Ai Cập là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, chiếm trên 62% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này.

Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang cả 5 thị trường kể trên trong năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các nước Trung Đông như Israel hay Libanon..., đều đang tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt là 43% và 155%.

Tại khối thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang khối thị trường này năm 2024 mặc dù vẫn tăng 4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm sản phẩm này sang EU trong nửa cuối năm đang chậm lại và có xu hướng giảm.

Theo các doanh nghiệp, hiện tại nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường đang tăng trở lại. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nguồn cung ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, việc được hưởng ưu đãi thuế quan sẽ là một lợi thế lớn cho các nước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các cam kết trong các hiệp định thương mại để được hưởng ưu đãi thuế quan, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp phải có nguồn gốc xuất xứ thuần túy. Chính vì vậy, nguồn nguyên liệu trong nước là yếu tố tiên quyết để gia tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết từ khi Nghị định số 37 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định về kích cỡ cá ngừ vằn được khai thác tối thiểu là 500mm (50cm) có hiệu lực kể từ ngày 19.5.2024, đã gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Chính vì vậy mà cả ngư dân và doanh nghiệp đang rất mong chờ Chính phủ sớm sửa đổi nghị định này.

Nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong sản xuất cá ngừ đóng hộp hiện nay là do thiếu nguyên liệu. VASEP cho biết doanh nghiệp phải tận dụng nguồn nguyên liệu tồn kho để đáp ứng xuất khẩu và hiện tại nguồn nguyên liệu tồn kho đã hết.

Do nguồn nguyên liệu thuần túy dự trữ đã cạn, các doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Và với nguồn nguyên liệu này thì các đơn hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải chịu thuế cao, và khó lòng cạnh tranh được với các nước như Ecuador hay Philippines.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bai-toan-nguyen-lieu-cho-ca-ngu-dong-hop-chua-co-loi-giai-228694.html
Zalo