Phát triển Thái Nguyên 'xanh'
Phát triển kinh tế số, xanh, tuần hoàn đang là xu thế mà tỉnh Thái Nguyên tập trung các nguồn lực để thực hiện. Trong chuyến công tác cuối năm 2024 tại Hàn Quốc, các sở, ngành của tỉnh đã ký thỏa thuận với nhiều đối tác để tăng cường hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, các dự án chuyển đổi xanh, tài chính carbon hướng đến phát triển Thái Nguyên 'xanh'.
Kinh tế số tạo nền tảng bứt phá
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế sang tăng trưởng xanh, trong Nghị quyết số 01-NQ/TU về CĐS, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số (KTS) chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh; phấn đấu toàn tỉnh có 700 doanh nghiệp (DN) số. Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX) trong CĐS.
Tham gia khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, livestream do Sở Công Thương tổ chức tháng 7-2024, chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, phấn khởi nói: Tôi đã livestream bán hàng khá lâu rồi. Nhưng vì tự học trên mạng nên cách thức không được bài bản. Qua khóa tập huấn này, tôi nắm bắt được phương pháp bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên nền tảng số. Từ đó giúp HTX tăng cơ hội kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với Nghị quyết số 01-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Các sở, ban, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ các DN phát triển công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, sản xuất thông minh...
Đồng hành với DN, Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ 546 DN, HTX, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số như: Quản trị DN hợp nhất; phần mềm kế toán DN nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; phần mềm quản lý nhà hàng, cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm... Các khóa đào tạo, chương trình tập huấn đều thực hiện miễn phí.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên: UBND đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình để thu hút các DN đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế số của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 324 DN công nghệ số. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của KTS trong GRDP của tỉnh năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/61 tỉnh, thành phố cả nước. Tổng doanh thu KTS trên địa bàn tỉnh ước tính cả năm 2024 là 711,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Hành trình “xanh”, kinh tế tuần hoàn
Hiện, toàn tỉnh có gần 11.000 DN. Trong chiến lược phát triển của tỉnh, Thái Nguyên ưu tiên thu hút có chọn lọc nhằm lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, các sản phẩm có giá trị sản xuất cao để ưu tiên cấp phép đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, Thái Nguyên đã chủ động nắm bắt các cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Tỉnh đã hợp tác với Saigontel để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2023-2030, Saigontel sẽ nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh xác định và lựa chọn chính sách cũng như chiến lược tài trợ tập trung vào việc giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Trong hành trình chuyển đổi xanh của tỉnh, các DN đã tích cực cộng hưởng. Tiêu biểu trong công tác này phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Hiện, TNG đang tập trung đổi mới trong triển khai các dự án để tiệm cận với các tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Các nhà máy của TNG tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, cụm công nghiệp Sơn Cẩm được xây dựng, vận hành hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện về kinh tế và môi trường. Nhà máy phụ trợ tại TP. Sông Công được chứng nhận Lotus Bạc, Nhà máy xanh Võ Nhai đạt tiêu chuẩn LEED.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG, cho biết: Các nhà máy của TNG đều sử dụng phần mềm mô phỏng tính toán trong thiết kế để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng. Công ty đã lựa chọn các vật liệu phù hợp, thân thiện với môi trường. Đối với đầu tư công nghệ, TNG đặc biệt quan tâm trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và Formaldehyde thấp để đảm bảo sức khỏe người lao động.
Trong quá trình sản xuất, TNG sử dụng lò điện để giảm phát thải CO2 mỗi năm. Đặc biệt, TNG xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, dùng nguồn nguyên liệu tái chế giảm thiểu khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, TNG đã giảm thiểu tác động vào môi trường, cân bằng hệ sinh thái.
Với chiến lược trên, TNG đã được những khách hàng có thương hiệu và những nhà bán lẻ lớn trên thế giới như: Decathlon, Columbia, TCP, Nike, Adidas, SportMaster, Tomtailor, Comtextile… chọn làm đối tác tin cậy.
Cùng với sự nỗ lực của các DN, UBND tỉnh tăng cường hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, Hà Lan để thúc đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế. Tại buổi làm việc mới đây tại Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Hàn Quốc (KTR), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Các dự án chuyển đổi xanh, tài chính carbon hướng đến phát triển Thái Nguyên “xanh” là một trong những trọng tâm của tỉnh. Thái Nguyên không chỉ thể hiện cam kết với cộng đồng DN trong và ngoài nước, mà còn góp trách nhiệm với tương lai và mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.
Tại đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và KTR đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai các dự án chuyển đổi xanh, tài chính carbon hướng đến phát triển Thái Nguyên “xanh”; hình thành Trung tâm Nghiên cứu giao dịch carbon tại Thái Nguyên. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư nghiên cứu khoảng 1-2 triệu USD; KTR dự kiến bắt tay triển khai ngay đầu năm 2025.
Trong năm 2024 và 2025, Công ty TNHH Samsung E&A sẽ nghiên cứu dự án, dự kiến đầu tư ở lĩnh vực phát triển kinh tế tuần hoàn vào các khu công nghiệp của Thái Nguyên.
Một trong những dự án dự kiến đề xuất là chuyển đổi chất thải rắn của các nhà máy Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình thành nhiên liệu rắn tái sinh để sử dụng làm nhiên liệu cho nhà máy cấp hơi nước.