Công ty ở TP.HCM sợ nhân viên sao nhãng vì pickleball

Không ít doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội tài trợ chi phí sân chơi pickleball cho nhân sự, trong khi một số đơn vị lại lo ngại môn thể thao này ảnh hưởng xấu đến công việc.

Tháng 8, công ty của Ngọc Nhi (26 tuổi, quận 8, TP.HCM) bắt đầu tài trợ chi phí sân chơi pickleball cho hơn 100 nhân sự. Nhận được thông tin trên, Nhi và một số đồng nghiệp thân thiết nhanh chóng lập hội tham gia môn thể thao thịnh hành này, phần vì tò mò, phần vì muốn tận dụng chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Trước đây, doanh nghiệp này cũng từng tặng thẻ tập tại một hệ thống phòng gym cao cấp cho nhân viên. Lúc đó, không có đồng nghiệp rủ rê mỗi ngày, Nhi chỉ tập được vài buổi rồi bỏ.

Song, tình trạng trên không diễn ra với pickleball - môn thể thao mang tính tập thể. 17h30 hàng ngày, hội chơi pickleball tại công ty cô đều đặn rủ nhau sửa soạn ra sân, coi đây là hoạt động giải trí sau giờ làm việc.

“Ban đầu, tôi ra sân vì tò mò, ham vui. Sau một thời gian luyện tập đều đặn, tôi bắt đầu ‘nghiện’ pickleball. Cuối tuần không ra sân, tôi thấy ngứa ngáy trong người”, Ngọc Nhi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

 Pickleball dần phát triển thành phong trào thể thao ở các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Pickleball dần phát triển thành phong trào thể thao ở các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Từ khi pickleball thịnh hành tại Việt Nam hồi tháng 4, bộ môn này dần trở thành phong trào ở nhiều môi trường công sở. Các doanh nghiệp bắt đầu tài trợ chi phí sân chơi, tạo ra hoạt động thể thao mang tính gắn kết, coi đây là phúc lợi cho nhân sự.

Đơn vị kinh doanh pickleball nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cung cấp chương trình đào tạo cho các công ty, hỗ trợ tổ chức giải nội bộ.

Phúc lợi hợp xu hướng

Ngọc Nhi vốn không phải người yêu thích các hoạt động thể thao. Cô chỉ thỉnh thoảng tập gym, đi bộ trong khuôn viên khu chung cư đang sống và chưa từng thử sức với các môn đối kháng.

“Nếu công ty không cung cấp gói phúc lợi này, tôi có lẽ sẽ không ra sân”, nhân viên văn phòng 26 tuổi chia sẻ.

Doanh nghiệp của Ngọc Nhi đặt lịch theo năm tại một sân pickleball cách văn phòng 500 m, giúp nhân sự thuận tiện di chuyển. Từ khi môn thể thao này trở nên thịnh hành, sân chơi “mọc lên như nấm” xung quanh công ty cô.

 Ngọc Nhi bắt đầu chơi pickleball vì công ty tài trợ chi phí thuê sân tập. Ảnh: NVCC.

Ngọc Nhi bắt đầu chơi pickleball vì công ty tài trợ chi phí thuê sân tập. Ảnh: NVCC.

Sau gần 3 tháng hưởng chế độ đãi ngộ trên, Nhi ngày càng đam mê pickleball, sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào bộ môn này. Cô hiện sở hữu đến hơn 10 bộ đồ tập và 2 chiếc vợt.

Khác với Ngọc Nhi, Tùng Lâm (28 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) có niềm yêu thích với các phong trào thể thao.

Anh duy trì thói quen chạy bộ mỗi sáng trước lúc đi làm và tập gym 3 buổi/tuần sau khi tan ca. Cuối tuần, Lâm đạp xe và chơi boxing.

Khi thấy pickleball bắt đầu trở nên phổ biến tại Việt Nam, kỹ sư công nghệ này cũng muốn thử sức với môn thể thao xu hướng. Tuy nhiên, học phí và tiền thuê sân là những vấn đề khiến anh e ngại.

“Tôi chưa từng chơi các môn đánh bóng như tennis hay bóng bàn, nên phải học toàn bộ kỹ thuật từ đầu, tốn không ít tiền”, Tùng Lâm nói.

Nhận thấy mong muốn thử sức với pickleball ở nhiều nhân sự, công ty Lâm thông báo tài trợ chi phí sân chơi cho tất cả, đồng thời tặng thêm khóa học cơ bản cho một số nhân viên ưu tú.

Biết được thông tin trên, Lâm như “mở cờ trong bụng”. Với thành tích công việc tốt trong năm nay, anh chắc suất theo học bộ môn mới này.

Học phí là 750.000 đồng/buổi, bao gồm cả tiền thuê sân. Khóa học cơ bản kéo dài 15 buổi, nâng tổng chi phí lên hơn 11 triệu đồng, được xem như một khoản phúc lợi tốt của công ty.

Hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt của doanh nghiệp, Tùng Lâm cũng ngầm hiểu trách nhiệm dạy lại kỹ thuật chơi pickleball cho đồng nghiệp, lan tỏa phong trào thể thao này ở môi trường công sở.

Công ty hưởng ứng, nhưng sợ ảnh hưởng công việc

Từ phía doanh nghiệp, Đoàn Dũng (35 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp logistic, nhanh chóng biến pickleball trở thành phong trào thể thao ở công ty.

Theo anh, chi phí thuê sân pickleball tính theo đầu người rẻ hơn so với khoản tài trợ thẻ tập gym. Vì vậy, chế độ đãi ngộ này có lợi cho công ty, phù hợp với quỹ phúc lợi eo hẹp do tình hình kinh doanh khó khăn hiện tại.

Hơn nữa, trong khi gym là hoạt động thể thao mang tính cá nhân, pickleball lại đề cao tinh thần tập thể, giúp gắn kết người chơi, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

“Từ ngày công ty tài trợ chi phí sân chơi, tôi nhận thấy những cuộc thảo luận về trang phục, thiết bị luyện tập và các kỹ thuật đánh bóng xuất hiện nhiều trong các nhóm chat. Mọi người có chủ đề chung để nói bên cạnh công việc”, Dũng cho biết.

Ngoài ra, Đoàn Dũng cũng nhận định rằng gym chỉ rèn luyện sức khỏe cá nhân, trong khi môn thể thao đối kháng pickleball góp phần cải thiện kỹ năng làm việc nhóm qua các trận đấu đôi, đồng thời trau dồi tinh thần chiến đấu, nỗ lực đạt mục tiêu.

 Các doanh nghiệp phát triển trào lưu pickleball, coi đây là phúc lợi cho nhân sự. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các doanh nghiệp phát triển trào lưu pickleball, coi đây là phúc lợi cho nhân sự. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khác với Đoàn Dũng, Lưu Ly (38 tuổi, quận 3, TP.HCM), phó giám đốc của một agency truyền thông, lại lo ngại về sự xao lãng của nhân sự khi phong trào pickleball nở rộ.

Từ tháng 6, Ly nhận thấy các hội nhóm chơi pickleball bắt đầu được thành lập ở văn phòng. Nhân sự của cô thường mang sẵn trang phục, thiết bị luyện tập từ sáng, chờ đến 18h tan ca, lập tức tắt máy tính, rời khỏi công ty để đến sân pickleball.

“Tôi lo rằng các bạn làm việc ‘nhanh ẩu đoảng’ vì vội ra sân, song cũng không thể yêu cầu nhân sự ở lại để hoàn thành các nhiệm vụ được giao một cách chỉn chu”, Lưu Ly nói.

Hơn nữa, dù tránh liên lạc với nhân sự ngoài giờ hành chính, Ly vẫn phải nhắn tin hoặc gọi điện nhờ cấp dưới giải quyết một số đầu việc gấp sau 18h. Tuy nhiên, khi ra sân pickleball trong khoảng 1-2 tiếng, nhân viên của cô hoàn toàn không động vào điện thoại, khó xử lý tình huống khẩn cấp.

Hiểu rằng hoạt động thể thao giúp nhân sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, phó giám đốc agency truyền thông này chỉ có thể nhắc nhở nhẹ nhàng, khéo léo, thậm chí nhờ cấp dưới xử lý việc gấp giúp.

Sân pickleball hỗ trợ phát triển phong trào thể thao

Ngọc Phương, quản lý của cụm 11 sân pickleball ở TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết cơ sở kinh doanh này sẵn sàng phục vụ các giải đấu chuyên nghiệp. Cụm sân trải rộng trên diện tích 2.200 m2 với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,2 tỷ đồng.

Gần đây, cụm sân của Ngọc Phương tiến hành chương trình đào tạo kỹ thuật chơi pickleball cho 70 nhân sự đến từ một doanh nghiệp. Chương trình này cung cấp các buổi học với huấn luyện viên, hỗ trợ học viên tham dự giải đấu nội bộ do công ty tổ chức.

 Các sân chơi pickleball tổ chức chương trình đào tạo cho nhân viên các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các sân chơi pickleball tổ chức chương trình đào tạo cho nhân viên các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Đây là tín hiệu đáng mừng khi pickleball đang dần được các công ty lựa chọn là hoạt động thể thao cho nhân viên, tương tự như phong trào tập gym trước đây”, Ngọc Phương chia sẻ.

Hơn nữa, tính cộng đồng, sự kết nối giữa người chơi thể thao là chìa khóa giúp môn thể thao này phát triển bền vững. Khách hàng của Ngọc Phương chủ yếu là nhân viên văn phòng, làm việc trong cùng công ty, rủ nhau đặt lịch theo tháng.

Dù nhiều ý kiến lo ngại về khả năng “sớm nở tối tàn” của pickleball, Ngọc Phương đặt niềm tin vào tiềm năng phát triển lâu dài của bộ môn này. Hệ thống giải đấu đa dạng, bao gồm giải nội bộ do các doanh nghiệp tổ chức, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển này, cho phép pickleball tồn tại cùng tennis và cầu lồng.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-ty-o-tphcm-so-nhan-vien-sao-nhang-vi-pickleball-post1513819.html
Zalo