Thực hành ESG để đối phó

Thực hành ESG chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu dùng để đối phó với yêu cầu của nhà đầu tư và làm thương hiệu là thực trạng ở một số doanh nghiệp.

Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh. Ảnh: Hoàng Anh

Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh. Ảnh: Hoàng Anh

Thực hành ESG tại Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn sơ khai, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, theo nhận xét của ông Lê Trung Hải, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Ông Hải lấy dẫn chứng, trên khía cạnh quản trị, nhiều doanh nghiệp đã có thành viên hội đồng quản trị độc lập nhưng vai trò chưa cao, chưa đảm bảo các tiêu chí để phát huy chức năng, nhiệm vụ. Cơ cấu, số lượng các thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng chưa được đảm bảo.

Hoặc một thực trạng khác là mới chỉ có 80 trong khoảng gần 800 doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, ảnh hưởng đến tính công bằng trong tiếp cận thông tin với nhà đầu tư nước ngoài.

Ở hai tiêu chí còn lại là môi trường (E) và xã hội (S), nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực hiện công bố tác động thông qua chính sách và thực hành với cơ quan hữu quan, chưa công bố và thực hành các bộ quy tắc cần thiết.

Nói với TheLEADER, một chuyên gia tư vấn phát triển bền vững cũng nhận định, doanh nghiệp Việt Nam hầu như có rất ít sự chuyển đổi trong việc tạo tác động tới môi trường, xã hội.

Vị này giải thích, dựa trên báo cáo ESG của doanh nghiệp, các giải pháp môi trường, xã hội chủ yếu mang tính chất trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), tức là thực hiện các chiến dịch, chương trình như trồng cây, thu gom rác thải, trao quà từ thiện… chứ rất ít các giải pháp đi sâu vào vận hành, tận dụng thế mạnh của chính doanh nghiệp đó nhằm tạo ra tác động lâu dài.

Một số giải pháp thực hiện mang tính rập khuôn lẫn nhau và thiếu số liệu minh chứng hiệu quả. Chẳng hạn, không ít doanh nghiệp liệt kê giải pháp thay thế vật liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường nhưng không đưa ra được minh chứng cho thấy vật liệu thay thế tối ưu hơn nhựa.

Doanh nghiệp thực hành ESG không đi vào chiều sâu gây ra không ít cản trở cho nhà đầu tư. Theo bà Vũ Ngọc Linh, Giám đốc nghiên cứu thị trường VinaCapital, đầu tư ESG vào thị trường Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá, so sánh với khu vực.

“Các quỹ đầu tư bị thiếu dữ liệu tham chiếu bởi rất ít doanh nghiệp có điểm ESG trên các bảng xếp hạng quốc tế”, bà Linh cho biết tại Hội thảo “Thúc đẩy thực hành ESG trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Thực tiễn và giải pháp”.

Hiện tại, chỉ có năm công ty niêm yết của Việt Nam có điểm đánh giá ESG trên Sustainalytics, với điểm đánh giá không cao, trong đó có một doanh nghiệp bị xếp loại rủi ro ESG ở mức rất cao và hai doanh nghiệp xếp ở mức rủi ro cao.

Phó vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng cho biết, nhằm khuyến khích doanh nghiệp niêm yết thực hành ESG một cách hiệu quả, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, chẳng hạn như phối hợp với Chương trình hợp tác thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu của chính phủ Anh để giới thiệu sổ tay triển khai, công bố thông tin ESG.

Bộ Tài chính mới đây cũng đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các công ty đại chúng, với việc yêu cầu các công ty đại chứng có quy mô lớn phải công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ năm 2025.

Đây là những nỗ lực nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG đi vào thực chất thay vì chỉ đối phó một cách bị động, là yêu cầu thiết yếu để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thuc-hanh-esg-de-doi-pho-d38105.html
Zalo