Sẵn sàng cho ngày hội non sông
Khi thời điểm đại lễ cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã cận kề, trên mọi con đường, hẻm phố của TPHCM đều rộn ràng không khí lễ hội.
Từ cờ Tổ quốc, cờ Đảng, băng rôn cổ động, đến những dòng người hồ hởi, vui tươi tiến về đường Lê Duẩn (quận 1) theo dõi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành vào mỗi buổi tối hàng ngày. Tất cả đều hướng về ngày 30/4 lịch sử, thời điểm cách đây 50 năm dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, non sông nối liền một dải.

Hình ảnh từ buổi sơ duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 25/4.
Háo hức mong chờ
Hòa trong những dòng người về trung tâm TPHCM để chuẩn bị đón xem đại lễ, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh (69 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, ông vừa trở lại Thái Bình chưa lâu, nhưng đã sắp xếp công việc để nhanh chóng vào lại “chiến trường xưa”. Hồi tưởng lại những ký ức tự hào, giọt nước mắt lăn dài trên gò má người cựu chiến binh. “Năm đó, tôi và những đồng đội còn rất trẻ, ở lại Sài Gòn để tiếp quản, cùng thành phố khôi phục kinh tế và ổn định trật tự xã hội sau chiến tranh. Thời ấy, chúng tôi chia nhau từng hạt gạo, củ sắn, mớ rau… nhưng nghĩa tình đồng chí, tình cảm của nhân dân Sài Gòn - TPHCM khiến anh em chúng tôi không bao giờ quên”. Nay về thăm lại khu tập thể 116 Trần Quốc Toản (phường 7, quận 3), nơi Ban Tài chính - Quản trị Trung ương thuộc Văn phòng Trung ương Đảng đặt tại đây những năm tháng hòa bình lập lại, những ký ức cứ lần lượt hiện về trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh, khiến ông quyết chí, dù bận rộn cách mấy, cũng phải có mặt trong những thời khắc đặc biệt của ngày 50 năm non sông liền một dải.
Không chỉ với các cựu chiến binh, chị Đỗ Thị Bôn (47 tuổi, ngụ phường Ngô Mây, TP Kon Tum) cũng đã đón chuyến xe muộn vào TPHCM từ một tuần trước. Chị Bôn cho biết, ngoài ghé về thăm gia đình họ hàng ở TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), gia đình chị cũng có lịch ở Thành phố mang tên Bác trong 2 ngày 29-30/4 để đón xem đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “50 năm là chặng đường dài của đời người, của các thế hệ cha anh chúng ta, đối với lứa tuổi chúng tôi khi TP Sài Gòn vừa giải phóng chưa kịp sinh ra, nhưng cũng đã lớn lên trong thời kỳ khôi phục kinh tế của miền Nam, của đất nước với vô vàn vất vả, khó khăn. Lúc ấy, cha mẹ tôi chạy ngược chạy xuôi từ Tây Nguyên về TPHCM để lo lắng mưu sinh cho cả gia đình. Những ngày tháng ấy mãi không quên đối với anh chị em chúng tôi”, chị Bôn xúc động chia sẻ.
Hòa chung trong không khí náo nức kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi cũng ghi nhận cảm xúc của hàng ngàn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc về TPHCM trong những ngày này. Mỗi người đều cố gắng lưu lại khoảnh khắc đặc biệt của mình theo những cách khác nhau. Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Việt (41 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) đã quyết định đón cha mẹ ở quê ngoại tỉnh Bình Định vào TPHCM từ đầu tháng 4 vừa qua. “Cha tôi từng là cựu chiến binh, có tham gia một số trận đánh ở Tây Nguyên trước năm 1975. Thời gian này sức khỏe cha đã không còn như trước nhưng ông vẫn quyết tâm vào TPHCM để tận mắt chứng kiến đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi vì, thời trẻ ông từng góp một phần công sức trong hành trình vẻ vang ấy. Tôi đã mua vé máy bay cho cha mẹ từ sớm để ông bà vào chơi với con cháu và thỏa ước nguyện của tuổi già” - anh Việt cho biết. Cũng theo anh Việt, mấy ngày gần đây cô con gái lớn thường xuyên đặt xe taxi để ông bà lên trung tâm quận 1 tham quan, uống cà phê và chụp hình lưu niệm. Gia đình anh coi đây là dịp đoàn tụ đặc biệt bởi nó trùng với ngày đại lễ. Không khí náo nức trang trí cờ hoa chào mừng ở khắp các tuyến đường trung tâm thành phố cũng khiến cho những bức ảnh của gia đình thêm đặc biệt.
Đối với gia đình anh Nguyễn Văn Tặng (44 tuổi, ngụ tại xã vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) dù nhà ở ngoại thành nhưng mấy ngày qua đều đọc báo, xem ti vi mỗi ngày để nắm bắt thông tin, lịch trình hợp luyện diễu binh, diễu hành để đưa hai con lên xem. “Các con tôi đều học cấp 2 cả rồi. Các cháu chưa lớn nhưng cũng không còn bé nữa. Mà tôi thấy bọn trẻ bây giờ chỉ mải mê quan tâm tới thế giới riêng của chúng. Vì vậy, tôi đưa hai con lên đây vừa để xem không khí náo nức đặc biệt, vừa để giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, các thế hệ cha ông cho bọn trẻ nữa. Điều may mắn là khi xem các lực lượng công an, bộ đội diễu binh diễu hành, các con đều vô cùng thích thú và cũng hiểu hơn về cội nguồn dân tộc”, anh Tặng kể.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi cho thấy, từ trước đây nhiều ngày, rất đông các bạn trẻ không chỉ ở trên địa bàn TPHCM mà còn các tỉnh thành trên khắp cả nước cũng đã lập nhóm, lên kế hoạch để tới tận mắt chứng kiến các hoạt động dịp lễ 30/4 năm nay. Mọi người đều cảm nhận rằng, mốc kỷ niệm 50 thống nhất đất nước là một sự kiện đặc biệt, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn gắn với nửa đời người, mà phải rất lâu nữa mới có thể chứng kiến được thời khắc của 50 năm tiếp theo, vì vậy không ai muốn bỏ qua. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy còn nói lên ý nghĩa đặc biệt của một thế hệ trẻ luôn nhớ ơn, tri ân đến các thế hệ những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc quyết sinh.

Các bạn trẻ mang theo cờ đỏ sao vàng chờ đón xem sơ duyệt diễu binh, diễu hành. Ảnh: BTT.
Sôi nổi hoạt động đón đại lễ
Những ngày này, Thành ủy, UBND, HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đều tổ chức nhiều chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi ngày, có từ 5-10 sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc diễn ra trên khắp thành phố, chưa kể các hoạt động do cấp cơ sở tổ chức.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM cho biết, tính đến nay, có hơn 630 phóng viên trong nước và 180 phóng viên nước ngoài đăng ký tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra vào sáng 30/4. Thành phố đã thực hiện bố trí vị trí sơ đồ tác nghiệp cụ thể cho các cơ quan báo chí. Dịp này, TPHCM cũng tổ chức các tour tham quan dành cho phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là các phóng viên báo chí nước ngoài, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh thành đến TPHCM tác nghiệp. Ngoài ra, ngày 27/4 Trung tâm Báo chí, sự kiện phục vụ Lễ mít tinh 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ra mắt, đặt tại Lầu 2, trụ sở Hội Nhà báo TPHCM (số 14 Alexandre de Rhodes, phường Bến Nghé, quận 1) để phục vụ thông tin chuỗi sự kiện đại lễ 30/4 cho người dân và kiều bào ta ở nước ngoài. Nơi đây được trang bị đầy đủ từ hệ thống bàn làm việc, trang thiết bị, mạng internet, cung cấp tài liệu… để đảm bảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp nhanh chóng, thuận lợi. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đại lễ cũng chuẩn bị Sổ tay tác nghiệp dành cho phóng viên với những thông tin tổng quan, nổi bật, những thành tựu của TPHCM trong 50 năm qua để phóng viên khai thác, sử dụng.
Đối với các hoạt động văn hóa, thể thao hướng đến đại lễ, ông Hà Quốc Cường - Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM) cho biết, từ những ngày đầu tháng 3 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao và Bộ Tư lệnh Thành phố cùng chủ trì phối hợp với tất cả các sở, ngành, đoàn thể được phân công đã tập trung họp bàn thống nhất về các hoạt động luyện tập, hợp luyện của các khối xe nghi trượng, khối diễu hành quần chúng, khối đứng nền tham gia trong lễ Kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần quyết tâm cao, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Cũng theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, bên cạnh các khối quân đội, công an diễu binh oai nghiêm, hùng dũng thì các khối Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân tham gia diễu hành cũng hồ hởi khí thế rạng ngời, duyên dáng. Các khối diễu hành này sẽ do TPHCM phụ trách. “Đây là các khối đại diện cho quần chúng nhân dân, trí thức, người lao động, thanh thiếu nhi…; những lực lượng tham gia làm việc, xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới. Với hoa và cờ đỏ sao vàng trên tay, từng thành viên tham dự khối diễu hành đều bày tỏ sự tự hào, biết ơn các thế hệ đi trước đã chiến đấu anh dũng để mang lại hòa bình, thống nhất cho đất nước” - ông Hà Quốc Cường xúc động cho biết.
Về tổng thể các hoạt động hướng đến đại lễ 30/4, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, đến thời điểm này, không khí rộn ràng, phấn khởi trong toàn thành phố, lan tỏa rộng ra cả nước và kể cả đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế quan tâm. Đây là động lực tiếp tục thúc đẩy TPHCM cố gắng, nỗ lực làm tốt hơn nữa. Bí thư Thành ủy TPHCM điểm lại những nhóm công việc quan trọng. Đó là thành phố bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh trật tự để tạo tốt nhất cho việc tổ chức các hoạt động, sự kiện diễn ra thành công cuộc họp mặt có lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dự; phối hợp tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam"; phối hợp tổ chức thành công các chương trình nghệ thuật... TPHCM cũng đã hoàn thành việc bình chọn và tổ chức lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố; tổ chức thăm hỏi, tri ân các gia đình tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Đồng thời, kịp thời thăm hỏi, động viên lực lượng luyện tập diễu binh, diễu hành, nhất là lực lượng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7. Cùng với đó, tham gia lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, TPHCM đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông về các hoạt động hướng đến lễ kỷ niệm; tập trung thông tin, truyền thông về những chặng đường lịch sử, về giá trị hòa bình, độc lập, thống nhất. Công tác truyền thông đã kịp thời chuyển tải được các thông tin, hình ảnh cần thiết đến với các tầng lớp nhân dân.
“Không có cơ hội nào để chúng ta có thể cống hiến được như những thế hệ trước đã đã từng cống hiến. Chúng ta lấy những tấm gương hy sinh, những bài học quý giá của năm xưa, kết tinh thành tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tiếp tục phát huy chung sức, đồng lòng để xây dựng, phát triển và bảo vệ TPHCM, cũng như bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.