Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản
Phát huy tinh thần xung kích đi đầu của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa góp sức cùng các cấp, ngành, địa phương trong việc chung tay giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, các 'địa chỉ đỏ'.

Đoàn viên, thanh niên quét mã QR tại Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường.
Một trong những dấu ấn đậm nét và mang lại hiệu quả nhất trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, các “địa chỉ đỏ” của ĐVTN trong tỉnh phải kể đến việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa, “địa chỉ đỏ”.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh cho biết: "Tỉnh đoàn đã thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện để tuyên truyền, thông tin về các địa danh lịch sử, “địa chỉ đỏ” để xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, góp phần cùng toàn tỉnh số hóa hàng trăm di tích lịch sử- văn hóa. Với việc tạo mã QR, người dân, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể truy cập một cách dễ dàng, nhanh chóng vào địa điểm các di tích, tìm kiếm các thông tin về nguồn gốc di tích và được trải nghiệm hình ảnh chân thật, sống động"...
Trong số các di tích đã được số hóa, nổi bật nhất phải kể đến là Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân). Đây là công trình do Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Thọ Xuân thực hiện từ năm 2024 nhằm tạo dấu ấn đậm nét, quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin về khu di tích đến đông đảo du khách.
Đây là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930, trên cơ sở hợp nhất 3 Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh gồm Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Chi bộ Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Chi bộ Yên Trường (Thọ Xuân). Nhằm thể hiện sự trân trọng, tôn vinh công lao to lớn của những bậc cách mạng tiền bối, chiến sĩ cộng sản trung kiên của Đảng bộ tỉnh; đồng thời ứng dụng chuyển đổi số vào giáo dục ĐVTN về truyền thống anh hùng và cách mạng của quê hương, Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng công trình thanh niên cấp tỉnh số hóa thông tin Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường. Từ khi triển khai đến nay, nhờ hình thức trực tuyến và ứng dụng công nghệ thực tế ảo đã giúp thanh thiếu niên, người dân dễ dàng tìm hiểu vị trí địa lý và các thông tin, sự kiện, dữ liệu về toàn bộ khu di tích một cách trực quan, sinh động.
Tại TP Thanh Hóa, ĐVTN là lực lượng xung kích đi đầu trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các “địa chỉ đỏ” thông qua các hoạt động như số hóa di tích, tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các di tích, tổ chức các hoạt động về nguồn cho ĐVTN đến tham quan, tổ chức kết nạp đoàn viên tại các di tích...

Thành Đoàn TP Thanh Hóa tổ chức cho học sinh tham quan Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành đoàn TP Thanh Hóa Lê Ngọc Anh cho biết: "Thành phố là mảnh đất có khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đây đều là những di sản vô giá kết tinh sức lao động và tinh thần của cha ông còn lưu lại cho thế hệ hôm nay. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích là việc làm vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ĐVTN trên địa bàn thành phố đã triển khai rất nhiều hoạt động chung tay bảo tồn di tích, giá trị văn hóa địa phương. Trong đó, hiệu quả nhất là việc số hóa di tích. Đến nay, các cơ sở đoàn trên địa bàn thành phố đã thực hiện số hóa được 7 di tích lịch sử - văn hóa, “địa chỉ đỏ”, đó là Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng, Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã, Di tích lịch sử danh thắng Rừng Thông, Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ...
Việc số hóa di tích mà ĐVTN thành phố đang thực hiện là cầu nối đưa các di tích lịch sử - văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương tới đông đảo bạn bè, du khách.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê bảo vệ. Thời gian qua, công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện khá tốt, mang lại hiệu quả cao. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng ĐVTN trong tỉnh. Phát huy vai trò tuổi trẻ, ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Đăng ký, đảm nhận dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức kết nạp đoàn viên tại các di tích; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, về nguồn, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích... Từ những việc làm đó, không chỉ góp phần phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, trí tuệ và sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, mà còn giúp du khách tiếp cận thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử của địa phương nhanh chóng, dễ dàng. Đây cũng là cách để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.