Giữ lửa nghệ thuật dân gian: Múa rối nước làng Đào Thục

Giữa vùng ven đô Hà Nội, làng Đào Thục vẫn lặng lẽ gìn giữ một di sản đặc biệt - nghệ thuật múa rối nước. Không chỉ là loại hình biểu diễn độc đáo, múa rối nước ở Đào Thục còn là kết tinh của truyền thống, văn hóa và bản sắc Việt được truyền từ đời này sang đời khác.

Hành trình về Đào Thục là hành trình trở về với cội nguồn, nơi những câu chuyện cổ tích, những tích trò dân gian được tái hiện sống động qua từng động tác múa rối. Tại thủy đình nằm giữa ao làng, những con rối gỗ mộc mạc đang múa, đánh trống, cưỡi ngựa,… trong tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng.

Nằm nép mình bên dòng sông Cầu, làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) từ lâu đã được biết đến như một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Làng Đào Thục có truyền thống múa rối nước đã hơn 300 năm, gắn liền với tên tuổi của vị tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh. Nghệ thuật múa rối nước của làng là sự kết tinh những tinh hoa đặc sắc nhất, với đầy đủ các thể loại như rối xào, rối dây, rối bè, rối que, rối đống. Trải qua bao biến thiên lịch sử, nghệ thuật rối nước vẫn tồn tại và được phát huy nhờ vào tâm huyết của những nghệ nhân nơi đây.

Thủy đình ao làng - sân khấu biểu diễn múa rối nước làng Đào Thục

Thủy đình ao làng - sân khấu biểu diễn múa rối nước làng Đào Thục

Điều đặc biệt là sân khấu rối tại đây không nằm trong các nhà hát hay khán phòng sang trọng, mà chính là ao làng – nơi lưu giữ hơi thở đồng quê và phản chiếu tâm hồn mộc mạc của người nông dân Việt. Sau tấm mành tre đơn sơ, những con rối sống động với sắc màu tươi vui như đang kể lại những câu chuyện thân thuộc: cảnh cày cấy, chăn trâu, kéo lưới. Âm nhạc dân tộc vang lên từ trống, sáo, đàn nhị hòa tạo nên một không gian huyền ảo đậm chất truyền thống.

Chế tác rối - nghệ thuật từ tâm huyết và truyền thống

Nói đến nghệ thuật múa rối nước, trước hết phải nhắc đến nghệ thuật tạo hình con rối - linh hồn của mọi vở diễn. Kỹ thuật tạo ra một con rối nước là sự kết hợp tinh tế giữa kỹ năng thủ công truyền thống và tư duy mỹ thuật dân gian. Đó là cả một quá trình lao động tỉ mỉ và giàu tâm huyết, bắt đầu từ khâu lựa chọn nguyên vật liệu - yếu tố mấu chốt để tạo nên những con rối có thể “sống” trong môi trường nước.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, người đã có hơn ba thập kỷ gắn bó với nghề rối nước tại Đào Thục, cho biết: “Gỗ sung là loại gỗ phù hợp nhất để làm rối nước. Nó nhẹ, dễ chạm khắc, và quan trọng nhất là tỷ lệ hút nước rất thấp. Nếu như những loại gỗ khác có thể hút nước với tỷ lệ 10 phần, thì gỗ sung chỉ khoảng 2 phần thôi.” Nhờ có đặc tính này, việc điều khiển rối trở nên linh hoạt hơn, đồng thời cũng bền hơn theo thời gian.

Góc xưởng chế tác rối nước của nghệ nhân với các dụng cụ thủ công

Góc xưởng chế tác rối nước của nghệ nhân với các dụng cụ thủ công

Không chỉ đạt yêu cầu về chất lượng, gỗ sung ở đây còn tượng trưng cho sự sung túc. Trong quan niệm dân gian của người Việt, việc sử dụng gỗ sung thể hiện một niềm tin vào cuộc sống ấm no, an lành – một tinh thần lạc quan ăn sâu trong đời sống nông nghiệp lúa nước. Nghệ nhân Phi chia sẻ thêm: “Chúng tôi không chỉ làm ra con rối để diễn, mà còn đang giữ lại tinh thần của làng, của tổ tiên mình. Mỗi con rối, mỗi màn biểu diễn là một lời nhắc nhở về cội nguồn và niềm tự hào dân gian.”

Ngày nay, làng Đào Thục tự hào là một trong những làng nghề múa rối nước truyền thống thu hút nhiều du khách quốc tế nhất. Ước tính mỗi năm, nơi đây đón khoảng 5.000 khách nước ngoài và hàng chục nghìn lượt khách trong nước đến tham quan. Du khách có cơ hội hóa thân thành nghệ nhân: từ đục đẽo, tô sơn con rối cho đến trực tiếp tham gia biểu diễn dưới nước. Chính những trải nghiệm chân thực ấy đã khiến nhiều du khách nước ngoài xúc động khi hiểu sâu sắc hơn về nguồn gốc và vẻ đẹp của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Chị Emma đến thưởng thức và trải nghiệm biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục

Chị Emma đến thưởng thức và trải nghiệm biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục

Chị Emma, du khách đến từ Australia chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng khi được xem và trực tiếp tham gia làm rối như một nghệ nhân thực thụ. Mọi thứ rất chân thật và sống động, hoàn toàn khác với việc chỉ xem qua màn hình hay sân khấu hiện đại. Tôi hiểu thêm về văn hóa truyền thống của người Việt, cảm thấy gần gũi hơn với con người và đất nước này. Múa rối nước là một cách tuyệt vời để giao lưu văn hóa và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.”

Giữ nghề trong thử thách – Chuyện chưa kể sau những màn trình diễn

Hiện nay, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vẫn nhận được sự quan tâm từ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh và chính quyền địa phương. Các lớp tập huấn vẫn được tổ chức hằng năm để thu hút thế hệ trẻ trong làng tham gia kế cận. “Những năm gần đây, các cháu bắt đầu quan tâm hơn, có em còn tự viết đơn xin vào phường. Đó là tín hiệu rất đáng mừng”, anh Nguyễn Thế Nghị – Trưởng ban Văn hóa phường rối nước Đào Thục chia sẻ.

Bên cạnh nỗ lực giữ lửa cho làng nghề, công tác truyền thông về múa rối nước Đào Thục cũng ngày càng được chú trọng. Anh Nghị đã không ngại gõ cửa từng công ty du lịch, mở ra cơ hội để nghệ thuật múa rối nước của làng được biết đến rộng rãi hơn. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá trên mạng xã hội, anh còn đặc biệt tâm huyết với việc thiết kế các hoạt động trải nghiệm nhằm giữ chân du khách.

Dẫu vậy, bài toán bảo tồn vẫn còn nhiều trăn trở. “Nghề múa rối nước hiện chưa thể nuôi sống nghệ nhân, không có lương, không có chế độ đãi ngộ, cũng khó yêu cầu cao về chất lượng. Việc bảo tồn vì thế chủ yếu vẫn dựa vào lòng yêu nghề và sự động viên tinh thần là chính”, anh Nghị bộc bạch. Đặc biệt, các nghệ nhân biết chơi nhạc cụ dân tộc ngày càng mai một do tuổi cao sức yếu, trong khi lớp trẻ lại thiếu kỹ năng và chưa đủ động lực để kế thừa.

Ở Đào Thục, nghề làm rối và múa rối là nếp sống, là niềm tự hào, là điều kết nối người dân với tổ tiên. Dù cuộc sống hiện đại mang đến nhiều nghề mới hấp dẫn hơn, nhiều nghệ nhân vẫn gắn bó với rối nước bằng tất cả tình yêu. Những buổi biểu diễn giữa ao làng, tiếng cười vang lên từ khán giả, ánh mắt trẻ nhỏ say sưa dõi, chính là phần thưởng xứng đáng cho những người “làm nghề bằng tim”.

Hy vọng rằng, nhờ vào tâm huyết của người dân làng và tinh thần tiếp nối của thế hệ trẻ, tiếng trống rối, tiếng hát chèo sẽ mãi ngân vang giữa lòng đồng bằng Bắc Bộ. Như lời nghệ nhân Văn Phi: “Chừng nào còn người yêu rối nước, chừng đó nghề này vẫn sẽ sống.”

Với sự đón nhận của công chúng và những nỗ lực bảo tồn, múa rối nước làng Đào Thục sẽ tiếp tục là ngọn lửa văn hóa, lan tỏa hồn cốt Việt Nam đến mọi miền thế giới.

Linh Anh - Hồng Ngọc - Phương Thảo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giu-lua-nghe-thuat-dan-gian-mua-roi-nuoc-lang-dao-thuc-312557.html
Zalo