Sản phẩm OCOP miền núi: Đáp ứng chuyển đổi xanh

Trên hành trình phát triển thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng, mỗi người dân ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đều đã thực hiện những việc làm cụ thể, thiết thực cho mảnh đất mình sinh sống và sản xuất ngày càng tươi xanh hơn, trong lành hơn. Nhìn vào danh sách các sản phẩm OCOP của 2 huyện miền núi này, đó hầu hết là những sản vật của cây trồng sạch, an toàn, có hàm lượng chế biến sâu và ngày càng bền vững.

Ổi ruby của nông dân Khánh Vĩnh đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024.

Ổi ruby của nông dân Khánh Vĩnh đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024.

Có lẽ không cần nhắc nhiều đến sản vật sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng ở vùng đất Khánh Sơn. Nơi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã ưu ái cho loại trái cây có giá trị kinh tế cao này mang trong mình nét đặc trưng riêng có về mùi vị và độ thơm ngon. Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam ấy đến nay đã phát triển được hơn 2.600ha. Gần 2/3 trong số đó đang cho thu hoạch với mỗi hecta bình quân là 10 tấn. doanh thu từ sầu riêng mùa vụ năm 2024 này đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng.

Có lẽ vì vậy, khi chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai, người dân Khánh Sơn nghĩ ngay tới việc nâng cấp hơn nữa quy trình sản xuất, thu hoạch, phân phối của mình để cho ra thị trường các sản phẩm OCOP từ sầu riêng. Đến nay, Khánh Sơn đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là sầu riêng cấp đông Phương Đài của Công ty Cổ phần Đầu tư sinh thái Khánh Sơn và 33 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có 20 sản phẩm về sầu riêng như: Sầu riêng quả tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng cấp đông, kem sầu riêng…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - chủ doanh nghiệp Thành Hưng – đơn vị chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh sầu riêng lớn ở Khánh Sơn khẳng định: "Chúng tôi đã hình thành chuỗi liên kết với người dân trong vùng để trồng hàng chục héc-ta sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn sầu riêng tươi. Đồng thời, đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, nhất là hệ thống làm lạnh sâu (-48 độ C) và công nghệ sấy thăng hoa để cho ra sản phẩm sầu riêng đảm bảo giữ lại trọn vẹn hương vị đặc trưng của sầu riêng Khánh Sơn, cung cấp cho người dùng quanh năm.

Sầu riêng sấy Thành Hưng là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh.

Sầu riêng sấy Thành Hưng là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, chương trình OCOP đã được đẩy mạnh triển khai từ huyện đến cơ sở; các chính sách hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình được triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp cho các chủ thể có thêm nguồn lực để đầu tư cho các sản phẩm OCOP. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của huyện đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã ngày càng bắt mắt, đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường… Hiệu quả chương trình OCOP mang lại đối với kinh tế của địa phương rất lớn, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn miền núi, thực hiện hiệu quả các nhóm tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của huyện.

Đến với huyện miền núi Khánh Vĩnh, các sản phẩm OCOP của địa phương này có phần đa dạng hơn. Ngoài trái bưởi da xanh là chủ lực, những năm gần đây, nông dân Khánh Vĩnh cũng đã không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng máy móc, công nghệ để cho ra thị trường nhiều loại nông sản chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kim Thanh, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp xanh Khánh Trung chia sẻ, sau nhiều năm ươm mầm, chăm sóc, ngoài bưởi da xanh, nhiều loại cây ăn quả khác cũng đã phát triển xanh tươi, cho ra sản phẩm chất lương. Như năm 2024 này, hợp tác xã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao đó là vú sữa mica và ổi ruby. 2 loại trái cây này được trồng chung với rất nhiều loại khác như: bưởi da xanh, dừa xiêm, chôm chôm, bưởi, mít, ổi, lựu, cherry, sơ ri, sầu riêng, chà là… để tạo nên khu vườn rộng 16ha có suối mát bao quanh, cây trồng được chăm sóc áp dụng hoàn toàn theo phương pháp tự nhiên, hữu cơ, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học nhằm biến nơi đây thành nơi sản xuất nông nghiệp thích ứng chuyển đổi xanh theo định hướng của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, năm 2024, toàn huyện có 18 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đến nay, hội đồng OCOP cấp huyện đã hoàn tất việc đánh giá, phân hạng. Trong đó có 10 sản phẩm đạt số điểm OCOP 3 sao. Các sản phẩm tham gia năm nay có sự đa dạng, hàm lượng chế biến cao như: bưởi da xanh; ổi ruby, vú sữa mica, mít Thái, chuối sấy vị gừng, rượu cần Ama cơu, nhang dược liệu. “Không chỉ đa dạng về sản phẩm, mà chất lượng, hàm lượng chế biến của các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện cũng không ngừng được nâng cao. Các hộ nông dân từng bước áp dụng sản xuất xanh, an toàn, VietGAP để cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng. Nhiều sản phẩm còn được gia tăng giá trị thông qua việc đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến, nâng cấp, có nguồn gốc xuất xứ, minh chứng chất lượng, bao bì mẫu mã đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của thị trường” - ông Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm.

Cũng theo lãnh đạo 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, chương trình OCOP góp phần quan trọng vào việc nâng tầm sản xuất, làm ra nông sản cho người dân trên địa bàn. Từng bước tạo nên các sản phẩm có tính đặc trưng, đặc hữu, đồng thời còn mang nét văn hóa, truyền thống của mình thông qua các câu chuyện sản phẩm. Thời gian tới, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng được địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các chủ thể nhằm nâng cao cả về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP.

HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202412/san-pham-ocop-mien-nuidap-ung-chuyen-doi-xanh-b9d4f71/
Zalo