Chuyên gia dự báo dòng vốn FDI tiếp tục vào mạnh bất động sản và năng lượng

Dòng vốn FDI ngoại sẽ vẫn tiếp tục vào mạnh hai lĩnh vực bất động sản và năng lượng, đặc biệt khi Việt Nam đã có những cải thiện mạnh về luật pháp và thủ tục cũng như các nỗ lực ngoại giao, chuyên gia HSBC nhận định.

Hôm nay (20-12), ngân hàng HSBC Việt Nam đã công bố báo cáo nhìn nhận tình hình kinh tế Việt Nam với những nhận định về dòng vốn FDI sau những thương vụ đầu tư lớn của doanh nghiệp nước ngoài.

Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III-2024, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

 Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý 3, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư - Ảnh: Chính Phủ

Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý 3, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư - Ảnh: Chính Phủ

Sản xuất dẫn dắt kinh tế phục hồi trong nửa sau 2024

Theo HSBC, sau khởi đầu khó khăn trong quý 1, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý 2 và 7,4% trong quý 3 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng.

Tác động chủ yếu của cơn bão Yagi vào tháng 9-2024 tập trung vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi.

Cụ thể hơn, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm nay tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cũng được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính chung 11 tháng năm 2024 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử đang cho thấy dấu hiệu mở rộng, với xuất khẩu hàng dệt may và giày dép tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3.

Vốn FDI vào mạnh bất động sản và năng lượng

Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài (FDI) khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý 3, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay.

Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng trong những tháng gần đây.

Điều này có thể được hỗ trợ bởi Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8-2024, chuẩn hóa một số quy định để thúc đẩy nhu cầu. Nhìn về phía trước, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất cũng có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Hoa Kỳ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta.

Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện. Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4-2025 và NVIDIA mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.

Những nỗ lực liên tục nhằm tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư tiếp theo, với việc Việt Nam gần đây đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và đồng thời thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Người thực hiện báo cáo là nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam (ông Ngô Đăng Khoa, giám đốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán; ông Vũ Bình Minh, CFA, giám đốc kinh doanh trái phiếu và dịch vụ lãi suất, khối thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán).

FDI vào sản xuất tăng kéo theo sự phát triển của bất động sản công nghiệp và căn hộ dịch vụ

Mới đây, Savills Việt Nam cũng nhấn mạnh đến sự gia tăng của dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, nguồn vốn FDI tác động đến thị trường căn hộ dịch vụ theo hai hướng.

Thứ nhất là hướng tác động trực tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các dự án căn hộ dịch vụ. Ví dụ, thị trường Hà Nội hiện ghi nhận nhiều dự án lớn được đầu tư bởi các chủ đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản như Lotte Center Liễu Giai, Lotte Mall West Lake, Keangnam Landmark 72, Roygent Parks hay The Authentic Haseko Long Biên…

Các nhà đầu tư phát triển hạng mục căn hộ dịch vụ hạng A, nhằm phục vụ những chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đến Việt Nam làm việc dài ngày.

Những căn hộ này được trang bị đầy đủ tiện ích, sẵn sàng để sử dụng ngay. Dự án cũng có các dịch vụ hỗ trợ cho cá nhân và gia đình sinh sống lâu dài.

Thứ hai là hướng tác động gián tiếp. FDI tác động đến thị trường căn hộ dịch vụ theo hướng gia tăng nguồn cầu cho phân khúc này.

Cụ thể, thị trường bất động sản công nghiệp hiện đang thu hút mạnh mẽ FDI. Việt Nam đã nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn như Samsung, LG, Foxconn...

FDI tăng, nhu cầu thuê đất, thuê nhà xưởng xây sẵn cũng gia tăng, nổi bật là tại các địa phương đã phát triển hoặc mới nổi như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Bắc Ninh là khu vực nổi bật nhất khi dẫn đầu cả nước trong việc thu hút FDI, chiếm 18%, tương đương 4,5 tỉ USD. Đồng thời, Bắc Ninh cũng sở hữu nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn lớn nhất khu vực miền Bắc, chiếm 40% tổng cung. Theo sau là Hải Phòng với 33% thị phần. Ngoài ra còn có các địa phương lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Hà Nam.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-du-bao-dong-von-fdi-tiep-tuc-vao-manh-bat-dong-san-va-nang-luong-post826046.html
Zalo