Nuôi 'động vật hoang dã' quy mô lớn, anh nông dân Đồng Nai thu 12 tỷ đồng/năm
Nuôi dúi, don, chồn mốc quy mô lớn, anh nông dân Đồng Nai thu lời hơn chục tỷ đồng/năm.
Mô hình nuôi dúi, don, chồn mốc của gia đình anh Đỗ Văn Dũng (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) là một trong những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Đỗ Văn Dũng cho biết, tình cờ một lần anh được tham quan mô hình nuôi dúi của một gia đình ở vùng Tây Bắc và “chết mê chết mệt” lúc nào không hay.
“Tôi đã thuyết phục gia đình bỏ vốn ra mua 20 cặp dúi về nuôi thử nghiệm. Sau những khó khăn ban đầu, tôi đã tích lũy được vốn kinh nghiệm và mở rộng quy mô thành trang trại để nuôi thương phẩm với số lượng lớn” - anh Dũng kể.
Hiện, trang trại của gia đình anh Dũng có khoảng 2.000m2 phân thành 3 khu; tại 3 khu này, anh Dũng nuôi 400 con dúi, 300 con chồn và khoảng 300 con don.
“Trang trại đều do các anh em trong nhà trực tiếp quản lý và chăm sóc” - anh Dũng chia sẻ.
Với con dúi, ông Dũng cho biết, việc nuôi không khó, chỉ cần nắm vững kỹ thuật và chăm sóc chu đáo. Theo đó, do Dúi có sức đề kháng cao nên ít bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên vì thức ăn chủ yếu là rễ tre, thân mía, bắp, cỏ voi hoặc các phế phẩm nông nghiệp… nên dúi dễ bị đau bụng, phải chú trọng chuẩn bị thức ăn sạch, khô ráo, phòng viêm đường ruột, bệnh ngoài da.
Chuồng trại nuôi dúi cũng phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, kín gió giúp dúi có môi trường sống thuận lợi, duy trì nền nhiệt chuồng dúi không quá 33Oc.
“Nên bố trí nơi ít tiếng ồn, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào chuồng. Chuồng nuôi được ghép từ các viên gạch men cỡ lớn khoảng 40-50cm để thành các ô vuông chắc chắn, tránh để dúi bò ra ngoài hoặc cắn thủng chuồng. Đồng thời che chắn ở mức độ phù hợp để tạo độ mát mẻ, giống với môi trường hang dúi sống tự nhiên ở dưới lòng đất” - anh Dũng nói.
Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 8 tháng -1 năm là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau, sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm.
Mỗi năm dúi cái đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con, dúi con sau 8 tháng là có thể xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng ít nhất trên 1,5kg.
Những con dúi mẹ có khả năng sinh sản tốt, được giữ lại nuôi bán giống. Trong đó, con giống dúi mốc có giá dao động 1,5-4 triệu đồng/1 cặp; dúi má đào giống dao động từ 4-12 triệu đồng/1 cặp.
“Sau quá trình nuôi từ 10-12 tháng; trừ chi phí con giống, thức ăn, tôi thu về 12 tỷ đồng/năm. Mô hình này không chỉ giúp bảo tồn các giống loài đang cạn kiệt còn đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi”, anh Đỗ Văn Dũng nói.
Ngoài nuôi dúi, gia đình ông Dũng còn nuôi thêm chồn mốc, chồn hương và con don (nhím đuôi dài). Các loài này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, do chi phí thức ăn không đáng kể, giá bán lại ổn định.
Chẳng hạn, với con chồn, nguồn thức ăn cho loài vật này là các loại trái cây có thể dễ dàng thu mua hoặc tận dụng từ vườn trồng có sẵn của người dân. Chi phí thức ăn mỗi ngày cũng khá “mềm”, chỉ khoảng 3.000 đồng. Tuy nhiên, giá bán chồn thương phẩm đạt 2 triệu đồng/kg hơi, mỗi con khi xuất bán thương phẩm nặng khoảng 10kg, tương đương với giá 20 triệu đồng/con. Chồn con bán giống có giá dao động từ 15-35 triệu đồng/1 cặp.
Với con don (nhím đuôi dài). Thức ăn của loài này đa dạng hơn khi có thể bổ sung thêm các loại rau củ. Don có trọng lượng tối đa 5-6kg, nuôi gần 1 năm thì có thể xuất chuồng. Don con giống có giá dao động từ 8-22 triệu đồng/1 cặp.
Anh Dũng cho biết thêm, ở môi trường tự nhiên những loài này sinh sản từ 1-3 con/lần. Sau khi mang về thuần dưỡng, chủ trang trại chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý nên khả năng sinh sản tốt hơn.
“Trang trại chúng tôi chuyên bao tiêu và cung cấp giống nên con giống ở đây được lựa chọn khắt khe. Con nào chỉ đẻ 1-2 con/lứa thì nuôi để bán thương phẩm, con nào đẻ sai thì nuôi để bán con giống sinh sản. Đặc biệt, trang trại có hướng dẫn kỹ thuật cho bà con mua về chăn nuôi. Nhiều nông dân đến tham quan mua con giống, có người xin ở lại trại để học cách chăm sóc cũng như kỹ thuật nuôi” - anh Dũng nói.
Hiện, hàng tháng trại cung cấp gần 1 tấn thương phẩm các loại. Tuy nhiên, anh Dũng thừa nhận, dù trang trại cung cấp ra thị trường số lượng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đơn hàng.
Bà Lương Thị Lan – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom đánh giá cao mô hình nuôi dúi, don, chồn mốc của hộ ông Đỗ Văn Dũng và cho rằng đây là hướng đi mới, có triển vọng để giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
“Trong thời gian tới, mong rằng mô hình phát triển kinh tế của anh sẽ tiếp tục phát triển bền vững để góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của địa phương” - bà Lan nói.