Tọa đàm trực tuyến: Nhìn lại quá trình triển khai Luật BVMT2020 - Cơ hội và thách thức

Tọa đàm trực tuyến 'Nhìn lại 3 năm triển khai Luật Bảo vệ Môi trường 2020 - Cơ hội và thách thức' là dịp để thảo luận về thực trạng và phân tích cơ hội và thách thức trong bảo vệ môi trường.

Thưa quý vị và các bạn! ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, có hiệu lực ngày 1/1/2022 và thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Riêng đối với thủ tục hành chính, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% số thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm được 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trong đó, giấy phép môi trường mới đã tích hợp 7 loại giấy phép môi trường thành phần và được cấp cho các cơ sở, dự án phát sinh chất thải phải xử lý ra môi trường khi vận hành chính thức.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường. Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Mặc dù Luật bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng môi trường, tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhưng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên quá trình triển khai vẫn còn đó những trăn trở.

Để giúp quý vị có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, chúng tôi đã mời tới trường quay 3 vị khách mời tham gia cuộc Tọa đàm trực tuyến “Nhìn lại quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Cơ hội và thách thức” là: PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN; Ông Nguyễn Công Tài, đại diện đơn vị vận hành Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội.

Thông qua tọa đàm, chúng tôi mong muốn các cơ quan hữu quan có thể nắm bắt các thông tin hữu ích để đưa ra quyết định quản lý phù hợp nhất, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Làm sao biến thách thức thành cơ hội phát triển qua đó giúp nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Chương trình do Báo Điện tử VOV phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN&MT thực hiện, được phát trực tuyến ngày 20/12/2024, trên VOV.VN và Kênh youtube Báo Điện tử VOV và website Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường.

Nhóm phóng viên/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/toa-dam-truc-tuyen-nhin-lai-qua-trinh-trien-khai-luat-bvmt2020-co-hoi-va-thach-thuc-post1143542.vov
Zalo