Sân khấu về đề tài chính luận: Những chuyển động khởi sắc

Các vở diễn, chương trình nghệ thuật về đề tài chính luận lâu nay thường được coi là hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ của đất nước.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều vở diễn sân khấu không chỉ mang giá trị tư tưởng sâu sắc mà còn cuốn hút, hấp dẫn và tạo hiệu ứng tốt, bán vé thành công với hàng trăm đêm diễn. Sự khởi sắc này do những chuyển động hướng đến nhu cầu giải trí của khán giả của những người làm sân khấu.

Một cảnh trong vở kịch “Sống mãi tuổi 17” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Một cảnh trong vở kịch “Sống mãi tuổi 17” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Dấu ấn “bùng nổ” của đề tài chính luận

Đêm diễn đầu năm 2025 của Nhà hát Kịch Việt Nam với tác phẩm về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đêm trắng” (tác giả Lưu Quang Hà, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc) đã “cháy vé” trước 10 ngày diễn. Vở kịch ngời sáng hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thông điệp nhân văn “Trừng trị để giáo huấn” của Người. Ra mắt từ năm 2021, lần biểu diễn nào của “Đêm trắng” cũng đầy kín khán giả. Ngay khi Nhà hát Kịch Việt Nam đưa ra lịch diễn tác phẩm này vào dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ít khán giả đã muốn đặt vé trước.

Cũng xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng ở góc độ khác, vở diễn “Lá đơn thứ 72” (kịch bản Hoàng Thanh Du, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ) của Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt được gần 3 năm đã có gần 300 đêm diễn thành công, trong đó nhiều đêm diễn “cháy vé”.

Thời gian gần đây, với việc tổ chức thường niên nhiều chương trình xiếc hướng đến kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, như “Mừng Đảng, mừng Xuân”, “Đi cùng năm tháng”, “Sống mãi với Điện Biên”, “Hà Nội trong trái tim tôi”…, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã khẳng định xiếc không chỉ giàu tính nghệ thuật, giải trí mà còn phù hợp chuyển tải những nội dung chính luận. Các chương trình đều bán vé thành công, thu hút đông đảo khán giả, cả trẻ em, giới trẻ, người lớn tuổi. Mới nhất là chương trình xiếc “Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ra mắt từ mùng 3 Tết Ất Tỵ (tức ngày 31-1), với liên tục 6 suất diễn trong 3 ngày, luôn chật kín khán giả.

Hai vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ là “Sống mãi tuổi 17” (kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn Sĩ Tiến) về tấm gương quả cảm của anh hùng Lý Tự Trọng và “Bến nước thời gian” (tác giả Tạ Xuyên, đạo diễn Sĩ Tiến) xoay quanh những số phận con người hậu chiến, luôn có lượng khán giả trẻ đặt vé thưởng thức. Vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” với sự kết hợp giữa Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thể hiện khát vọng cống hiến của Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình, công diễn tháng 12 vừa qua cũng không một chỗ trống. Ê kíp thực hiện dự định sẽ biểu diễn tác phẩm bán vé thường xuyên…

Cảnh trong vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cảnh trong vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Truyền tải thông điệp sáng tạo, hấp dẫn

Về hướng đi xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính chính luận những năm gần đây, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Khi làm nghệ thuật, nếu quá nhấn mạnh các yếu tố chính trị, chương trình dễ trở nên khô cứng, khó tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Nhưng với nghệ thuật xiếc, chúng tôi chuyển những câu chuyện, vấn đề thành những màn xiếc mạo hiểm, kịch tính. Qua mỗi chương trình, ê kíp lại đo lường phản ứng, nhu cầu, sự tiếp nhận của khán giả để đưa ra cách thể hiện phù hợp cho lần sau”.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng cũng cho biết, đề tài chính luận khó và khô khan như thế, nhưng cần thiết có những tác phẩm sân khấu mang tính tuyên truyền, gửi thông điệp đến khán giả về chiến tranh cách mạng, những anh hùng dân tộc, những lãnh đạo, cán bộ, công chức hết lòng vì dân, đồng thời lên án, cảnh tỉnh những đối tượng tha hóa, biến chất. “Liên đoàn Xiếc Việt Nam không chỉ nâng tầm nghệ thuật xiếc, khai thác những đề tài mới, thời sự mà còn mong muốn thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về đề tài chính luận trong nghệ thuật”, “hoàng tử” xiếc trăn bày tỏ.

Dù khai thác đề tài chính luận nhưng vở “Đêm trắng” vẫn chinh phục đông đảo khán giả ở mọi độ tuổi nhờ nội dung hấp dẫn và diễn xuất tài tình từ dàn nghệ sĩ. Với sự duyên dáng nhưng cũng không kém phần tinh tế, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc đã dàn dựng lên một vở diễn giàu sức cuốn hút, đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm khác của Nhà hát Kịch Việt Nam về đề tài này như “Bão tố Trường Sơn”, “Người trong cõi nhớ”, “Người tốt nhà số 5”… cũng trở đi trở lại trên sân khấu và thường hết vé trước giờ diễn. Nghệ sĩ ưu tú Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, ngoài những vở diễn mang tính giải trí, thời gian qua, rất mừng là các tác phẩm sân khấu chính luận cũng nhận được sự đón nhận của khán giả. Cùng với nỗ lực tìm hướng tiếp cận các câu chuyện khác biệt, hấp dẫn, nhà hát còn chú trọng công tác truyền thông và quảng bá, xây dựng một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp để tác phẩm lan tỏa rộng rãi.

Gần 300 đêm diễn vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” có lẽ là con số kỷ lục của một tác phẩm sân khấu đề tài chính luận trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu hiện nay. Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc, người sáng lập Sân khấu Lệ Ngọc cho biết, là sân khấu xã hội hóa, Sân khấu Lệ Ngọc luôn phải chủ động, nỗ lực tìm khán giả, lan tỏa tác phẩm mới. Qua quá trình thực hiện một số vở diễn về đề tài chính luận, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc nhận định, khán giả hiện nay không hề thờ ơ mà còn rất hứng thú, chỉ cần dẫn dắt người xem vào câu chuyện kịch khéo léo, sáng tạo…

Từ những tác phẩm thành công vừa qua, sân khấu về đề tài chính luận thuận đà tiếp tục có nhiều tác phẩm mới, vừa truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, vừa hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của khán giả hôm nay.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-khau-ve-de-tai-chinh-luan-nhung-chuyen-dong-khoi-sac-692072.html
Zalo