Sâm Ngọc Linh thực sự là cây chủ lực phát triển vùng dược liệu giá trị?

Ngày 10/5, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 463/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực'. Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự sự kiện.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về cây dược liệu sâm Ngọc Linh.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe giới thiệu về cây dược liệu sâm Ngọc Linh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết khu vực miền Trung - Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên đặc thù, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loài dược liệu quý hiếm.

Đây cũng là vùng có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên việc phát triển công nghiệp dược liệu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo.

Việc đẩy mạnh việc trồng cây Sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi... sẽ là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm tới.

Cây sâm Ngọc Linh hiện được trồng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cây sâm Ngọc Linh hiện được trồng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Việt Nam có tiềm năng lớn về dược liệu

Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết: "Bản thân tôi lĩnh hội được nhiều thông tin từ Viện Dược liệu – Bộ Y tế cũng như các đóng góp của doanh nghiệp. Qua các ý kiến đã làm rõ thêm rằng việc thực hiện đề án là hết sức quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp, chung sức, mỗi người đóng góp một tay để cùng làm, phần hợp tác lớn hơn nhiều so với phần cạnh tranh, phải làm lớn, nhìn xa" – Phó Thủ tướng chia sẻ.

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis, là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm khu 5 (sâm K5), sâm trúc, sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm, củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh dược liệu là nguồn tài nguyên quý và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việt Nam có tiềm năng khá lớn về dược liệu, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, có nhiều cơ chế chính sách để phát triển.

Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" được Thủ tướng phê duyệt với nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều mục tiêu.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm khởi đầu, cần có nhiều quyết tâm để Quảng Nam thành trung tâm phát triển công nghiệp dược liệu, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh và cả nước.

Sâm dược liệu Ngọc Linh.

Sâm dược liệu Ngọc Linh.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Nam chủ trì và phối hợp với các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau làm lớn, nhìn xa để tạo sự cạnh tranh cho sâm Ngọc Linh và dược liệu, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Quảng Nam cũng cần sớm hoàn thiện công bố quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dược liệu.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long và ghi nhận ý kiến phát biểu của các đại biểu, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch, phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, tạo chuỗi giá trị khép kín, gắn với chế biến sâu và xuất khẩu.

Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực"

Mục tiêu: Phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu dược liệu và hệ thống chế biến, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học,... để từng bước đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước; phát huy tiềm năng của sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh và các dược liệu có thế mạnh trên địa bàn, góp phần đưa ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Giai đoạn 2025 - 2035, Đề án đặt mục tiêu duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp; ưu tiên phát triển Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và phù hợp với sinh thái của từng địa phương.

Hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Trước năm 2030, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực trung tâm công nghiệp dược liệu tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trước mắt tập trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai; nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.

Giai đoạn từ 2036-2045, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp dược liệu trên địa bàn; đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu với Sâm Ngọc Linh là chủ lực, có chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia chuỗi giá trị công nghiệp dược liệu toàn cầu, với nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt liên quan đến phát triển dược liệu (như Chương trình phát triển Sâm Việt Nam, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, Chương trình phát triển công nghiệp trong nước, Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược...), Đề án đề xuất triển khai đồng bộ hệ thống các nhiệm vụ giải pháp, gồm: Xây dựng thể chế, chính sách, hoàn chỉnh các quy hoạch, thúc đẩy thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển nuôi trồng dược liệu, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quảng bá, xúc tiến thương mại.

Trong đó, về thể chế chính sách: Các doanh nghiệp nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan được thụ hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành; rà soát, nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù và yêu cầu phát triển để hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, kể cả các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút đầu tư, nhất là phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh và một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, triển vọng phát triển.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh định kỳ tháng 4/2025 do huyện Nam Trà My, Quảng Nam tổ chức, đã có hơn 20kg sâm củ tươi đã được bán ra, người trồng sâm thu về gần 4 tỉ đồng.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh định kỳ tháng 4/2025 do huyện Nam Trà My, Quảng Nam tổ chức, đã có hơn 20kg sâm củ tươi đã được bán ra, người trồng sâm thu về gần 4 tỉ đồng.

Hình thành chuỗi liên kết nuôi trồng, sơ chế, chế biến sâm Ngọc Linh

Về xây dựng và phát triển vùng trồng: Phát triển vùng nuôi trồng dược liệu, gồm sâm Ngọc Linh là cây chủ lực và các loại dược liệu khác có thế mạnh tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum,... theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung phát triển diện tích, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến trong nuôi trồng sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác có thế mạnh, được nuôi trồng trên quy mô lớn như Ba kích, Đảng sâm, Sa nhân tím...

Phát triển mạng lưới, hình thành chuỗi liên kết nuôi trồng, sơ chế, chế biến dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố lân cận và trên cả nước. Tập trung chế biến, chế biến sâu tại khu vực trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam.

Bảo đảm các yêu cầu về bảo tồn, phát triển giống, nguồn gen sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống sâm Ngọc Linh và dược liệu khác; hỗ trợ phù hợp, thúc đẩy áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến đối với hoạt động nuôi trồng phát triển dược liệu.

Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ: Nhà nước tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia, thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư nghiên cứu, chọn tạo giống, xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen sâm Ngọc Linh và các dược liệu quý, đặc hữu có lợi thế ở địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất ở quy mô hàng hóa.

Tăng cường thông tin khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến hiệu quả đối với hoạt động nuôi trồng và phát triển các lĩnh vực công nghiệp dược liệu; đẩy mạnh các hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển nuôi trồng, chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm, phát huy giá trị đặc hữu của sâm Ngọc Linh, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chứng kiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác và thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư tại Quảng Nam.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sam-ngoc-linh-thuc-su-la-cay-chu-luc-phat-trien-vung-duoc-lieu-gia-tri-179250510182140266.htm
Zalo