SAGS muốn lập pháp nhân mới để triển khai gói thầu 790 tỷ đồng tại sân bay Long Thành
Theo hồ sơ dự thầu, SAGS sẽ là thành viên đứng đầu liên danh thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tại sân bay Long Thành.
CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN) vừa thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2025 vào sáng ngày 6/3/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một trong những nội dung quan trọng tại đại hội là đề xuất chủ trương thành lập pháp nhân mới để triển khai đầu tư, vận hành Dự án xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo hồ sơ dự thầu, SAGS sẽ liên danh với CTCP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) để đấu thầu với tổng mức đầu tư dự kiến 790 tỷ đồng. SAGS tham gia với vai trò là thành viên đứng đầu liên danh góp vốn 75% và còn lại 25% thuộc về HGS.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp này sẽ thực hiện góp toàn bộ bằng vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn vay.
Do đây là dự án lớn với quy mô vượt mức 35% tổng giá trị tài sản trên báo cáo kiểm toán gần nhất, HĐQT SAGS đã xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho các quyết định đầu tư dự án theo nội dung hồ sơ dự thầu của liên doanh.
![Tiến độ thực hiện trong khoảng 18 tháng cùng thời hạn dự án trong khoảng 24 năm 8 tháng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_296_51477140/0a7292c1a08f49d1109e.jpg)
Tiến độ thực hiện trong khoảng 18 tháng cùng thời hạn dự án trong khoảng 24 năm 8 tháng.
Việc đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm gói thầu số 1 và số 2.
Mỗi dự án được thực hiện trên khu đất hơn 7.000 m2. Tiến độ thực hiện trong khoảng 18 tháng cùng thời hạn dự án trong khoảng 24 năm 8 tháng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang là cổ đông lớn nhất của SGN với hơn 48,03% cổ phần, theo sau là quỹ America LLC với gần 25% và Vietjet nắm giữ 9,11% cổ phần. Vốn điều lệ của SAGS ở mức gần 336 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SAGS tăng 11% so với hồi đầu năm lên 1.278 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là 570 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, lượng tiền và các khoản tương đương tiền cũng chiếm tỉ trọng lớn với 304,3 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 174 tỷ đồng, giảm tới 66% so với đầu năm. Trong đó có gần 73 tỷ đồng phải thu khó đòi, riêng Bamboo Airways đã trích lập 67,5 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2024, SAGS ghi nhận 327,8 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 7% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn một nửa xuống 35 tỷ đồng, chủ yếu do không còn phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi trên 55 tỷ đồng đối với Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Bên cạnh đó, SAGS cũng phát sinh 6,5 tỷ đồng tiền lãi chênh lệch tỉ giá trong quý IV/2024.
Cộng với việc nhận 7,4 tỷ đồng cổ tức đã giúp SAGS lãi sau thuế 76,3 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo SAGS cho biết, dù sản lượng khách quốc nội giảm mạnh so với cùng kỳ do ngưng cung cấp dịch vụ cho hãng Bamboo Airways trong năm 2024, nhưng sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế tăng trưởng tốt và công ty cũng ký được thêm hợp đồng phục vụ một số khách hàng quốc tế mới.
Tính chung cả năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.281 tỷ đồng, giảm 9 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nhờ quý cuối năm khởi sắc, SAGS ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên 252,8 tỷ đồng.