Sacombank ghi nhận lãi quý 1/2025 tăng 38% nhờ giảm dự phòng

Sacombank đã có một khởi đầu tích cực cho năm 2025 với lợi nhuận quý 1/2025 đạt 25%, đúng lộ trình kế hoạch năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) ghi nhận, ngân hàng đạt mức lãi trước thuế 3.674 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro.

Trong quý đầu năm, Sacombank ghi nhận thu nhập lãi thuần vượt 6.863 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 728 tỷ đồng, tăng 26%.

Trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối giữ ổn định với 308 tỷ đồng thì hoạt động kinh doanh khác tại nhà băng này lại ghi nhận khoản lỗ 103 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí hoạt động tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.927 tỷ đồng, nhưng Sacombank vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 16%, lên 3.869 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng chỉ trích 195 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, giảm mạnh 71% so với cùng kỳ, giúp lãi trước thuế quý một tăng trưởng mạnh mẽ.

Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.650 tỷ đồng cho cả năm, Sacombank đã hoàn thành 25% chỉ tiêu chỉ sau quý đầu tiên.

Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 757.093 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt duy trì ổn định ở mức 8.498 tỷ đồng, ngược lại tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 9%, còn 16.074 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận mức tăng 5%, đạt 546.327 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi ngân hàng tăng 3% so với đầu năm, đạt 585.569 tỷ đồng, trong khi tiền gửi từ các tổ chức tín dụng khác giảm 13%, xuống còn 53.415 tỷ đồng. Giấy tờ có giá còn lại đạt 34.031 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/03/2025, tổng nợ xấu của Sacombank đạt 14,151 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng lần lượt 5% và 12%, ngược lại nợ chú ý ghi nhận giảm nhẹ 2%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại nhà băng tăng nhẹ từ 2,4% lên 2,51%.

Tại diễn biến liên quan, ngày 25/4 vừa qua, Sacombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, nơi vấn đề nợ xấu tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ cổ đông. Đặc biệt, liên quan đến khoản nợ xấu của ông Trầm Bê, một vấn đề đã được đưa ra trong nhiều năm.

Theo Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ với cổ đông, ngân hàng này đã trình phương án xử lý chi tiết và phù hợp lên Ngân hàng Nhà nước, đồng thời báo cáo tình hình với cơ quan thanh tra giám sát.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng nợ gốc liên quan đến ông Trầm Bê là 35.400 tỷ đồng; lãi dự thu theo đề án là hơn 12.900 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến hết năm 2024, Sacombank đã thu hồi được 25.600 tỷ đồng, trong đó 23.300 tỷ đồng là nợ gốc, còn lại hơn 2.200 tỷ đồng là tiền lãi.

Dư nợ còn lại là hơn 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.538 tỷ đồng đã bán cho VAMC và 1.454 tỷ đồng dưới dạng các khoản repo và khoản phải thu. Tổng lãi theo hợp đồng tính đến cuối năm 2024 là hơn 57.600 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ của ông Trầm Bê và các bên liên quan được bảo đảm bằng cổ phiếu STB đang do Công ty quản lý tài sản (VAMC) nhận ủy quyền có giá trị hơn 6.100 tỷ đồng, còn khoản lãi phát sinh theo hợp đồng đến cuối năm 2024 là khoảng 13.450 tỷ đồng.

Tổng số cổ phiếu STB đang được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay và phải thu là 604,94 triệu cổ phiếu, tương đương 32% vốn điều lệ Sacombank. Ngân hàng cho biết đã trích lập dự phòng đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ gốc và repo. Số tiền thu được từ việc đấu giá 32% cổ phần này sẽ được sử dụng để xử lý toàn bộ gốc và lãi, trước khi trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước.

Bà Diễm cho biết với khoản lãi treo hơn 57.000 tỷ đồng, khả năng thu được phần vượt là rất thấp, đồng nghĩa với việc ngân hàng chỉ có thể thu hồi đủ số nợ gốc và một phần lãi.

"Hiện tại, Sacombank chỉ còn vướng mắc cuối cùng là chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB theo đề án tái cơ cấu. Trong năm 2025, chúng tôi tự tin hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra và quyết tâm thúc đẩy tiến trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chính thức công bố hoàn tất đề án tái cơ cấu sau sáp nhập," bà Diễm chia sẻ với cổ đông.

Đối với khoản nợ tại KCN Phong Phú, trong năm 2024, Sacombank đã thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2024, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu và hoàn nhập chi phí dự phòng. Trong năm 2025, ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc với khách hàng đã trúng đấu giá để thu hồi thêm 30% - 40% giá trị khoản nợ, và đặt mục tiêu thu hồi hoàn toàn phần còn lại trong năm 2026.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/sacombank-ghi-nhan-lai-quy-12025-tang-38-nho-giam-du-phong-40916.html
Zalo