Sắc Xuân Biên phòng trên từng bản, làng biên giới
Khi những bông mai rừng khoe sắc sớm, chúng tôi ngược lên với các bản làng trên biên giới tỉnh Quảng Trị. Với sự 'thay da, đổi thịt' trên từng con đường, góc bản đã khẳng định sự nỗ lực vượt khó của người dân, sự quan tâm chăm lo của cả hệ thống chính trị và sự tận tâm của những người lính mang quân hàm xanh nơi đây.
Trở lại bản Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào những ngày giáp Tết, đi trên đường bê tông phẳng lỳ trải dài đến tận bản, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay trên từng bản, làng biên giới: Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, sự chung tay của BĐBP, các bản biên giới thuộc xã Hướng Phùng đã có đường bê tông, điện lưới, nước sạch, nhà văn hóa..., đời sống của bà con cũng đổi thay rất nhiều. Người dân một lòng tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo sự kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, ra sức xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng cho biết: Để nhân dân ở các bản biên giới có được cuộc sống như ngày hôm nay, đơn vị không chỉ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch các khu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mà còn phân công cán bộ, đảng viên về phụ trách các hộ nghèo trong bản, thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, hướng dẫn bà con nhiều cách làm hay để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Đi trên con đường bê tông, trước mắt chúng tôi, bản biên giới Mã Lai Pun hiện ra như một bức tranh đẹp, với những ngôi nhà sàn khang trang, những đồi nương xanh mướt của lúa nước, ngô, sắn. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, Trưởng bản Hồ Văn Ken vui mừng nói: Những năm qua, được sự vận động của cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hộ dân trong bản đều biết trồng lúa nước, ngô lai, mỗi héc ta đất canh tác mang lại thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm.
Theo Trưởng bản Hồ Văn Ken, trước đây, đàn ông hay có thói quen uống rượu, chểnh mảng việc ruộng nương, nhưng đến nay, ai nấy đều lo làm ăn phát triển kinh tế với nhiều mô hình chăn nuôi lợn, dê, gà... mang lại hiệu quả kinh tế cao. "Bản mình giờ đây đã thoát được nghèo, hơn một nửa số hộ trong bản có nhà ở kiên cố, nhà nào cũng có xe máy, ti vi... Một số hộ còn mạnh dạn đầu tư mua ô tô chạy dịch vụ cho người dân và tham gia làm du lịch vùng cao, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần tô điểm thêm diện mạo làng quê biên giới" - Trưởng bản Hồ Văn Ken chia sẻ.
Chia tay xã Hướng Phùng, chúng tôi tiếp tục đến với các bản biên giới của xã Hướng Lập, đây là địa bàn xa nhất của tỉnh Quảng Trị. Những năm qua, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn an ninh trật tự, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập còn tích cực triển khai các mô hình, chương trình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong năm 2024, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã huy động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà tài trợ ủng hộ trên 1,5 tỷ đồng để xây dựng 3 nhà “Mái ấm biên cương”, 3 công trình dân sinh, tặng hàng trăm con bò, heo, dê giống cho nhân dân, hướng dẫn bà con trồng lúa nước, các giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bà con tại địa phương, Đồn Biên phòng Hướng Lập còn thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, thường xuyên giúp đỡ chính quyền, lực lượng chức năng các bản Lào ở phía đối diện; duy trì có hiệu quả mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với hàng chục công trình như: Trường học, trạm xá, công trình nước sạch, cây, con giống..., trở thành điểm sáng cho tình hữu nghị Việt - Lào anh em.
Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết, vào dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh đảm bảo tốt an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đơn vị còn phân công cán bộ, chiến sĩ xuống từng bản tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực hướng về nhân dân như: Thi gói bánh chưng, giã bánh giầy hay các trò chơi dân gian... Các hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó quân dân trên địa bàn biên giới.
Ngày Tết là ngày đoàn viên, sum họp bên gia đình, người thân, nhưng với những người lính Biên phòng thì đây là thời điểm căng mình trên biên giới, gác lại những nỗi niềm riêng để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân đón Tết. Bên cạnh đó, đây còn là dịp BĐBP tri ân, chăm lo Tết cho đồng bào nghèo nơi biên giới.
Sự gần gũi, gắn bó với đồng bào biên giới đã giúp các cán bộ, chiến sĩ BĐBP có điều kiện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc của bà con. Từ đó, tham mưu cho chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương đề ra các giải pháp giúp đỡ người dân; đồng thời, động viên bà con yên tâm chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên chính quê hương của mình.
Thượng tá Hồ Phú Vinh, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị chia sẻ: “Hằng năm, vào dịp Tết đến, Xuân về, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới của tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để chăm lo Tết cho đồng bào nghèo nơi biên giới, không để ai bị thiếu đói, thiếu hương vị Tết cổ truyền của dân tộc”.