Làng nghề thu gần 60 tỷ mỗi năm nhờ món thực phẩm giá rẻ

Trung bình mỗi năm, người dân 3 thôn thuộc làng Chều, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thu về gần 60 tỷ đồng từ sản xuất bánh đa nem để bán trong nước và xuất khẩu.

Vào dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân làng Chều càng thêm hối hả, bận rộn phục vụ đơn hàng tăng đột biến. Những đôi bàn tay thoăn thoắt lau phên, tráng bánh, phơi bánh, cắt gọt phần thừa, đóng gói sản phẩm để xuất bán ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng làm món nem truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người Việt.

Ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường, Chủ tịch Hiệp hội Bánh đa nem làng Chều, đang phơi bánh đa nem.

Ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường, Chủ tịch Hiệp hội Bánh đa nem làng Chều, đang phơi bánh đa nem.

Được biết, riêng trong năm 2024, làng Chều đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng, trong đó có 30% từ xuất khẩu ra các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Đông Âu; 30% bán vào siêu thị và 30% bán ra ngoài thị trường thông qua thương lái, chợ truyền thống.

Vừa đưa đôi tay thoăn thoắt quệt mỡ heo vào giá phơi bánh đa nem được làm từ tre nứa, ông Trần Văn Sơn vừa lý giải, việc làm này sẽ giúp khi phơi bánh đa sẽ không bị dính vào giá, không bị vỡ. “Vào mùa hè, mỡ heo không bị đông cứng lại nên giảm được nhiều công đoạn. Còn vào mùa đông, mỡ heo nhanh đông cứng nên tôi phải thường xuyên sử dụng bếp từ, bếp ga để làm nóng mỡ”, ông Sơn nói.

Dù tuổi đã cao nhưng do thành thạo với nghề nên đôi bàn tay ông Trần Văn Sơn vẫn thoăn thoắt quét mỡ để chuẩn bị tráng bánh.

Dù tuổi đã cao nhưng do thành thạo với nghề nên đôi bàn tay ông Trần Văn Sơn vẫn thoăn thoắt quét mỡ để chuẩn bị tráng bánh.

Theo ông Sơn, bánh đa nen làng Chều mềm và có độ dẻo cao, thơm ngon, có vị ngọt của gạo pha lẫn chút mặn nhẹ của muối, vị ngậy của mỡ heo. Đặc biệt, giá cả lại rất bình dân, ai cũng có thể mua về thưởng thức được. "Chính vì vậy, sản phẩm nức tiếng này rất "ăn" khách và được cả làng duy trì sản xuất, kinh doanh từ nhiều thế kỷ qua”, ông Sơn thông tin.

Giới thiệu về làng nghề của mình, ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường, Chủ tịch Hiệp hội Bánh đa nem làng Chều, cho biết, theo gia phả của làng, vào năm 1349 (đời vua Trần Dụ Tông), trong làng có một gia đình cụ Trần Văn Hám làm nghề xay xát gạo.

Ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường, Chủ tịch Hiệp hội Bánh đa nem làng Chều kiểm tra sản phẩm trước khi xuất cho khách hàng.

Ông Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường, Chủ tịch Hiệp hội Bánh đa nem làng Chều kiểm tra sản phẩm trước khi xuất cho khách hàng.

“Lúc bấy giờ dân làng khó khăn, gạo làm ra tiêu thụ chậm nên cụ đã nghĩ ra cách ngâm gạo rồi giã nghiền thành bột nước và hấp trên nồi nước sôi, sau đó đưa ra ngoài phơi khô. Cụ truyền dạy việc này cho dân làng. Đến nay theo truyền thống của làng cứ vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm, dân trong làng đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ tới ông tổ nghề tại đình làng”, ông Tường nói.

Theo ông Tường, bánh đa nem làng Chều làm từ gạo tẻ được lựa chọn một cách kỹ lưỡng để chất lượng bánh được đảm bảo. Trải qua nhiều công đoạn, từ ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những chiếc phên tre, cuối cùng sản phẩm được hoàn thiện.

Trước kia, bánh đa nem Làng Chều sản xuất ra chủ yếu để phục cho nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương, nhưng hiện nay sản phẩm truyền thống này đã nổi tiếng khắp các vùng và có mặt trên mọi miền đất nước, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có cả những thị trường khó tính ở châu Âu.

Người lao động làng Chều đang sơ chế, đóng gói bánh đa nem.

Người lao động làng Chều đang sơ chế, đóng gói bánh đa nem.

“Hiện làng Chều đã sản xuất bánh đa bán công nghiệp để giảm tải sức người. Tuy vậy, công đoạn tráng bánh vẫn bằng tay vì đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của con người. Trước kia, mỗi ngày, người làng Chều làm bánh từ 4h đến 16h, tráng được 10 - 15kg gạo, tương đương 8 - 12kg bánh, nhưng từ khi chuyển sang bán công nghiệp, đun bằng nồi hơi, chạy bằng điện, mỗi ngày mỗi gia đình làm được khoảng 30 - 50kg, tùy lượng khách hàng đặt.

Tuy nhiên, bánh đa nem làng Chều được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao chính là nhờ đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm tráng bánh, kỹ thuật phơi bánh đa nem chứ không chỉ đơn thuần là công thức sản xuất”, ông Tường nói.

Công đoạn cắt bánh để loại bỏ những phần thừa.

Công đoạn cắt bánh để loại bỏ những phần thừa.

Ông Tường còn khẳng định, cùng với kinh nghiệm gia truyền thì chính những đặc thù của làng về thời tiết, thổ nhưỡng, độ ẩm, nguồn nước đã làm nên đặc sản này chứ không chỉ là công thức. Vì một số người địa phương đã bán công thức cho những người ở địa phương khác nhưng sau thời gian sản xuất không cạnh tranh được với bánh đa nem làng Chều nên họ cũng đã bỏ nghề.

“Hiện làng Chều đã thành lập Hiệp hội Bánh đa nem với 102 hội viên và một số gia đình sản xuất độc lập. Bình quân mỗi ngày làng Chều sản xuất khoảng 30 tấn, mỗi năm sản xuất 250 ngày, mỗi tấn bán 50 triệu. Riêng năm 2024, tổng doanh thu đạt khoảng 60 tỷ”, ông Tường nói.

Người dân làng Chều đang kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ khi phơin bánh đa nem.

Người dân làng Chều đang kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ khi phơin bánh đa nem.

Còn ông Đặng Xuân Đạo, Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, ngoài 3 thôn Đồng Phú, Trần Xá, Mão Cầu xã Nguyên Lý, còn có 2 thôn khác làm bánh đa nem gồm Hải Long, Thư Lâu. “Hiện toàn xã có 176 máy đang sản xuất bánh đa nem. Công ăn việc làm của người dân ổn định, với mức thu nhập đều hàng tháng, tận dụng được cả những lao động phụ như người già, trẻ em và lao động nông thôn lúc nhàn rỗi”, ông Đạo nói.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lang-nghe-thu-gan-60-ty-moi-nam-nho-mon-thuc-pham-gia-re-ar921450.html
Zalo