Sắc màu thổ cẩm của người Ba Na

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở Kon Tum đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Y Hướt hạnh phúc khi con, cháu yêu thích và mong muốn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nghệ nhân Y Hướt hạnh phúc khi con, cháu yêu thích và mong muốn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở Kon Tum đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và điều đó sẽ tiếp thêm động lực để các nghệ nhân nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn.

Hái quả bông, quay sợi

Ngày 14/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 238/QĐ-BHVTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống, nghề thủ công truyền thống, góp phần phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ở tuổi 75, nghệ nhân Y Hướt (làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) hạnh phúc vì thế hệ trẻ còn lưu giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Già Y Hướt bảo rằng, thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào nói chung và người Ba Na nói riêng.

Theo quan niệm của người Ba Na, nghề dệt thủ công truyền thống là một chuẩn mực về vẻ đẹp của người phụ nữ. Qua đó thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt, đây cùng là điểm cộng để các chàng trai lựa chọn làm bạn đời.

Xưa kia cứ vào tháng 5, những thiếu nữ Ba Na lại rủ nhau lên rừng tìm, hái quả bông gòn đã nở bung mang về nhà. Người thì gánh nước, số còn lại thì ngồi tách hạt bông rồi đem phơi khô quay sợi.

Để tạo màu cho sợi, người con gái Ba Na lại vào rừng lấy lá, hoa và rau, củ đem giã rồi ngâm với sợi trong chum. Khi đã nhuốm màu, sợi sẽ được mang ra nắng phơi để tạo hương thơm và độ bền.

Khi chuẩn bị dệt, cần giăng sợi trên khung theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải rồi đưa thảm sợi vào khung dệt đều tay. Dệt bằng sợi bông sẽ tốn nhiều thời gian và công sức nhưng sản phẩm làm ra sẽ bền, đẹp, dày dặn. Mỗi sản phẩm thổ cẩm được làm ra đều mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, đậm nét văn hóa của dân tộc.

“Các tấm vải thổ cẩm có những hoa văn trang trí với màu sắc và ý nghĩa văn hóa riêng. Với các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen phối cùng nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na thể hiện mong ước của con người được hòa quyện với thần linh, đất trời để được bao bọc, chở che”, già Y Hướt chia sẻ.

Dưới mái nhà sàn truyền thống, già Y Mứk (59 tuổi, làng Kon Kơ Tu, xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum) nhẹ nhàng lướt đôi tay trên khung cửi. Không nhớ rõ mình đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm bao nhiêu lâu, già Y Mứk chỉ biết rằng, từ những ngày còn nhỏ đã thấy bà, mẹ ngồi bên khung cửi, dệt lên những tấm vải đầy sắc màu. Những ngày đầu làm quen, bà học xe chỉ, tập dệt họa tiết đơn giản, ít màu sắc. Khi tay đã quen với thoi tơ, bà bắt đầu dệt những chi tiết khó, đòi hỏi kĩ thuật cao.

“Hầu hết phụ nữ Ba Na đều biết dệt thổ cẩm, từ khăn, quần áo cho đến váy. Để dệt được một tấm vải hay mặt hàng từ thổ cẩm đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo, tỉ mẩn. Tùy vào họa tiết và thời gian bỏ ra, mỗi sản phẩm được dệt lên có giá thành khác nhau, dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng”, bà Y Mứk chia sẻ.

Khi vừa tròn 12 tuổi, nghệ nhân Y Yin (làng Kon Kơ Tu) đã biết dệt thổ cẩm và học hỏi thêm để tạo ra những hoa văn riêng biệt, đặc sắc. Trải qua 60 năm dệt thổ cẩm, bà không nhớ rõ mình đã tạo ra bao nhiêu tấm vải, sản phẩm mang màu sắc về quê hương với những điều gần gũi, bình dị.

Thế nhưng bà nhớ rất rõ những tấm thổ cẩm mà bản thân mất nhiều thời gian và công sức để dệt, như: Tấm vải với hình ảnh là nội dung câu chuyện cổ của làng Kon K’tu, phú ông Hrơ giàu có cùng anh Hrít nghèo khổ hay câu chuyện về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc sống đời thường của người dân…

“Từ ngày học được nghề truyền thống này, mình thường dệt vải theo những câu chuyện xưa. Do đó, không tấm vải nào giống nhau mà hoa văn có những nét riêng biệt”, già Y Yin bộc bạch.

Thế nhưng, già Y Mứk và Y Yin vẫn đau đáu với nỗi lo giới trẻ không còn mấy mặn mà với nghề dệt thổ cẩm. Bởi thanh niên trong làng phần lớn đi làm ăn xa hoặc học dệt thổ cẩm nhưng không kiên trì do tốn nhiều thời gian, công sức mà thu nhập thấp. Riêng 8 người con của bà Y Mứk chỉ còn có hai người chịu theo mẹ học dệt thổ cẩm.

Những sản phẩm thổ cẩm được già Y Mứk tỉ mẩn dệt trong nhiều ngày.

Những sản phẩm thổ cẩm được già Y Mứk tỉ mẩn dệt trong nhiều ngày.

Nâng tầm thổ cẩm truyền thống

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum), Y Thưm (31 tuổi, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) không tìm được công việc phù hợp. Trong một lần tình cờ đi tìm việc, chị Y Thưm thấy nhiều người mặc quần áo thổ cẩm nên nảy ra suy nghĩ gìn giữ và phát triển nét văn hóa này. Thế rồi, Y Thưm khăn gói vào TPHCM học may, thiết kế thời trang. Sau một năm học tập, chị Y Thưm về lại TP Kon Tum mở tiệm “Thổ cẩm KaThy”.

“Không xuất thân từ gia đình truyền thống may mặc nhưng mình có tình yêu với bản sắc dân tộc và đam mê với những họa tiết thổ cẩm của người Ba Na. Trên chất liệu thổ cẩm truyền thống, mình sáng tạo thành nhiều kiểu váy, áo có dáng dấp hiện đại từ áo khoác, áo dài, váy liền thân. Những sản phẩm này không quá cách điệu mà vẫn mang một nét truyền thống vốn có”, chị Y Thưm chia sẻ.

Cũng mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống, chị Y Dương (34 tuổi, thôn Plei Đôn, phường Quang Trung, TP Kon Tum) xây dựng một thương hiệu thời trang thổ cẩm cho riêng mình.

Những người phụ nữ Ba Na quay sợi bông để dệt tấm vải thổ cẩm bền, đẹp, dày dặn. Ảnh: Sở VH-TT&DL Kon Tum.

Những người phụ nữ Ba Na quay sợi bông để dệt tấm vải thổ cẩm bền, đẹp, dày dặn. Ảnh: Sở VH-TT&DL Kon Tum.

Những ngày còn nhỏ, chị Y Dương thích vẽ, thiết kế trang phục và luôn suy nghĩ hướng gìn giữ, làm giàu từ chính thổ cẩm của gia đình. Do đó, khi lớn lên, chị khéo léo biến tấm thổ cẩm thành những bộ trang phục đậm nét truyền thống nhưng vẫn mang dáng dấp hiện đại.

Chị chăm chút từ việc chọn chất liệu thích hợp theo mùa, độ dài, rộng của áo sao cho tôn lên chiều cao của người mặc, đồng thời chú trọng sự kết hợp màu sắc để làm ra những sản phẩm đẹp nhất.

Với chất liệu thổ cẩm dệt thủ công và may công nghiệp, sản phẩm của chị đa dạng nên được đông đảo khách hàng yêu thích, tin tưởng mua và thuê mặc. Mỗi tháng, cơ sở kinh doanh của chị Y Dương xuất bán khoảng 100 bộ thổ cẩm truyền thống và cách tân.

“Để chất liệu vải tốt và đảm bảo nhất, tôi và mẹ cùng nhau mở tổ hợp tác nghề thổ cẩm. Những thợ may, dệt của tiệm đều có tuổi nghề hơn 20 năm nên có nhiều kinh nghiệm. Qua đó cũng tạo công ăn, việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân bằng nghề truyền thống. Thông qua những sản phẩm thổ cẩm tôi cũng mong có thể quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc đến mọi người”, chị Y Dương tâm sự.

Những nghệ nhân tham gia Liên hoan Sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum.

Những nghệ nhân tham gia Liên hoan Sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na còn duy trì nhiều trong các thôn, làng tại các huyện, như: Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà và TP Kon Tum. Qua thống kê sơ bộ thì có hơn 123 kiểu dáng hoa văn khác nhau trong các sản phẩm truyền thống của người Ba Na.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều tổ hợp dệt gia đình, hợp tác xã dệt định hướng đưa sản phẩm truyền thống gắn liền với du lịch cộng đồng, địa phương. Nhờ vậy, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, vừa có thêm thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc HTX Du lịch Nông nghiệp Đắk Rơ Wa (TP Kon Tum), cho hay, hợp tác xã với 600 thành viên nhưng chỉ có 10 nghệ nhân dệt thổ cẩm. Hợp tác xã với mục tiêu là tạo công ăn việc làm ổn định, kết nối đầu ra sản phẩm cho người dân.

Đồng thời hướng đến xây dựng bảo tồn các nét văn hóa truyền thống gắn liền du lịch. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm đang gặp khó khi nghệ nhân chủ yếu là những người lớn tuổi và lớp trẻ ít kế cận. Không những thế, thời gian tạo ra một sản phẩm thổ cẩm truyền thống khá lâu, đầu ra hạn chế nhưng giá bán lại cao.

Nhiều người tìm đến chị Y Dương để may những bộ trang phục thổ cẩm.

Nhiều người tìm đến chị Y Dương để may những bộ trang phục thổ cẩm.

Về vấn đề này, bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT&DL Kon Tum), cho biết, từ nhiều năm nay Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm đến bảo tồn trang phục của dân tộc thiểu số.

Vì thế, hàng năm địa phương có rất nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ các nghệ nhân. Đồng thời, mở ra nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu dệt góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.

Theo bà Thu, dệt thổ cẩm Ba Na được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tín hiệu rất mừng. Đây cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục lập hồ sơ đề xuất thêm nét văn hóa của các dân tộc khác.

Đồng thời cũng là động lực để các nghệ nhân nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống bản địa. So với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, hoa văn truyền thống trong thổ cẩm của người Ba Na có độ độc đáo về hình dáng và đường nét, màu sắc đa dạng.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sac-mau-tho-cam-cua-nguoi-ba-na-post638234.html
Zalo