Chiềng An giữ nghề truyền thống
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân phường Chiềng An, thành phố Sơn La, triển khai nhiều giải pháp lưu giữ, bảo tồn, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Quàng Văn Cương, Chủ tịch phường Chiềng An, cho biết: Để trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, chúng tôi đã tập trung khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống, đội văn nghệ mang bản sắc các dân tộc. Đối với nghề truyền thống, phường định hướng các tổ, bản lưu giữ nghề thêu khăn piêu, dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống, làm gối, ghế, đệm từ bông gạo và nghề đan lát.
Phường đã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với ban quản lý các tổ, bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, giữ gìn nghề thủ công truyền thống. Tiến hành khảo sát trên địa bàn phường, các hộ gia đình làm nghề thủ công có thể truyền dạy nghề, mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm, tham gia sản xuất cùng với người dân, tạo sản phẩm lưu niệm độc đáo, đẹp mắt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân.
Tranh thủ thời gian nông nhàn, thành viên Câu lạc bộ văn hóa các dân tộc tổ 2, phường Chiềng An lại cùng nhau trao đổi kỹ thuật thêu khăn piêu, người biết nhiều dạy người chưa biết, để tạo ra sản phẩm có chất lượng. Tỉ mỉ truyền đạt cho các chị em kỹ thuật thêu khăn, chị Lù Thị Tươi, thành viên Câu lạc bộ, cho biết: Học thêu không khó, nhưng để thành thạo các kỹ năng thì mất nhiều thời gian, tôi học khoảng hai tuần mới thêu được các hình hoa văn, hoạt tiết cỏ cây, hoa lá, hình quả trám. Đến nay, tôi đã thêu thành thạo, có sản phẩm phục vụ gia đình và được các homestay trên địa bàn phường đặt hàng để trưng bày giới thiệu đến khách du lịch, tạo thêm nguồn thu những lúc nông nhàn.
Bà Cầm Thị Thủy, tổ 4, là người gắn bó với nghề làm gối, ghế, đệm bông gạo nhiều năm nay, chia sẻ: Nhờ có máy móc nên các công đoạn làm đệm đã phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, người làm đệm vẫn phải dành khá nhiều thời gian cho công đoạn khâu và nhồi bông, những công đoạn này nếu không kiên trì thì không làm được. Trước đây, người dân làm đệm với mục đích sử dụng trong gia đình. Hiện nay, nghề làm đệm bông gạo phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa, được nhiều người biết đến hơn thông qua mô hình du lịch cộng đồng. Chúng tôi tin rằng sản phẩm gối, ghế, đệm bông gạo sẽ góp phần nâng cao đời sống.
Hiện nay, phường đã phối hợp với các tổ, bản thành lập 5 câu lạc bộ văn hóa các dân tộc, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ một lần/tháng và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, phường tổ chức các lớp truyền dạy nghề thủ công do các nghệ nhân và những người có kinh nghiệm truyền đạt. Tại các sự kiện văn hóa của Thành phố và của tỉnh, các sản phẩm thổ cẩm, đan lát được trưng bày, giới thiệu, quảng bá để du khách chiêm ngưỡng, mua sắm.
Cùng gia đình dừng chân tại Thành phố để thăm Nhà tù Sơn La và Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá trong hành trình lên Điện Biên, chị Trần Gia Phong, du khách đến từ tỉnh Hưng Yên, cho biết: Đến thành phố Sơn La, chúng tôi được tham quan các di tích lịch sử, thưởng thức các món ăn dân tộc ở homestay và mua nhiều khăn piêu về làm quà kỷ niệm. Tôi đặc biệt ấn tượng với các sản phẩm thổ cẩm nơi đây.
Việc gìn giữ và bảo tồn nghề thủ công truyền thống được phường Chiềng An xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bởi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ du lịch, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Thời gian tới, phường tiếp tục định hướng các tổ, bản mở rộng và phát triển đa dạng các sản phẩm thủ công đặc sắc, đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm tại địa phương.