Cách phân biệt củ đinh lăng thật, giả

Nhu cầu và sự ưa chuộng đối với củ đinh lăng ngày càng cao khiến hàng giả xuất hiện nhiều; làm sao để phân biệt củ đinh lăng thật và giả?

Củ đinh lăng - mệnh danh là "nhân sâm của người Việt" - đang được nhiều người săn lùng vì những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Đáp ứng nhu cầu này, thị trường xuất hiện rất nhiều hàng giả..

Cách phân biệt củ đinh lăng thật và giả

Làm sao để nhận biết đinh lăng thật, tránh tiền mất, tật mang do mua nhầm? Băn khoăn đó đang khiến không ít người dè chừng trước khi mua loại dược liệu đắt đỏ này.

Thật ra, phân biệt củ đinh lăng thật và củ đinh lăng giả không quá khó nếu bạn nắm vững các dấu hiệu nhận biết như hình dáng, mùi hương, màu sắc, hương vị và nguồn gốc. Để tránh mua phải củ đinh lăng giả kém chất lượng, bạn cần lưu ý những cách phân biệt sau:

Cách phân biệt củ đinh lăng thật giả: Quan sát hình dáng (Ảnh: Rừng vàng)

Cách phân biệt củ đinh lăng thật giả: Quan sát hình dáng (Ảnh: Rừng vàng)

Quan sát hình dáng

Củ đinh lăng thật thường có hình dáng tương tự nhân sâm với phần thân củ gồ ghề, không đồng đều, kèm theo nhiều rễ nhỏ mọc tỏa ra xung quanh, thể hiện quá trình sinh trưởng tự nhiên qua nhiều năm. Những rễ này chính là đặc điểm quan trọng để nhận diện củ đinh lăng thật, vì chúng thường đan xen và có kích thước khác nhau.

Ngược lại, củ đinh lăng giả thường được tạo dáng nhân tạo, phần thân củ trơn láng, các chi tiết không tự nhiên, ít rễ hoặc thậm chí không có rễ nhỏ xung quanh. Hình dáng to bất thường cũng là dấu hiệu để nhận biết đinh lăng giả.

Kiểm tra độ giòn

Một cách đơn giản để phân biệt củ đinh lăng thật và giả là kiểm tra độ giòn. Bạn chỉ cần lấy hai củ có kích cỡ tương đương và thử bẻ chúng. Củ đinh lăng giả thường rất khó bẻ do cấu tạo bên trong có các dầm gỗ cứng hoặc những tia gỗ lởm chởm, trông giống như các sợi chổi. Do đó, việc bẻ đôi trở nên khá khó khăn và không để lại vết gãy đẹp mắt.

Ngược lại, củ đinh lăng thật, đặc biệt là các rễ phụ, thường rất giòn, dễ bẻ và để lại vết gãy mịn màng, đều đặn.

Đinh lăng thật bẻ rất giòn, có mùi thơm đặc trưng dễ phân biệt. (Ảnh: VOV)

Đinh lăng thật bẻ rất giòn, có mùi thơm đặc trưng dễ phân biệt. (Ảnh: VOV)

Kiểm tra mùi hương

Mùi hương là một yếu tố không thể bỏ qua khi muốn phân biệt củ đinh lăng thật và củ đinh lăng giả.

Củ đinh lăng thật khi cắt lát sẽ tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, đặc trưng của dược liệu tự nhiên, mang lại cảm giác dễ chịu. Mùi này xuất phát từ các tinh chất chứa trong củ, vốn là những thành phần quý giá của đinh lăng.

Trong khi đó, củ giả thường không có mùi hoặc thậm chí có mùi lạ, khó chịu do được xử lý bằng hóa chất hoặc là loại củ hoàn toàn không phải đinh lăng.

Quan sát màu sắc và vân gỗ bên trong

Khi bổ đôi củ đinh lăng thật, bạn sẽ nhận thấy phần ruột có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, các vân gỗ rõ nét chạy dọc thân củ. Những vân gỗ này là minh chứng cho quá trình phát triển tự nhiên lâu năm, giúp củ tích lũy nhiều dược tính tốt.

Củ đinh lăng giả không có những đặc điểm này, ruột thường có màu trắng bệch hoặc ngả xám, các chi tiết không đồng đều, dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Nếu có cơ hội, hãy yêu cầu bổ thử củ trước khi mua để đảm bảo chất lượng.

Kiểm tra mùi vị

Hương vị là cách phân biệt củ đinh lăng thật và giả rõ ràng. Hãy nếm thử một miếng nhỏ, củ đinh lăng thật mang vị đắng nhẹ, sau đó ngọt dịu, tạo cảm giác dễ chịu trong miệng. Đây là một đặc trưng của đinh lăng mà các loại củ khác không thể giống.

Trong khi đó, củ đinh lăng giả không có mùi vị đặc trưng hoặc mùi vị gây khó chịu nếu được xử lý hóa chất. Việc thử vị không chỉ giúp bạn đánh giá chất lượng mà còn đảm bảo tránh xa các sản phẩm kém an toàn.

Củ đinh lăng giả thường được bày bán tràn lan, không có nguồn gốc rõ ràng. (Ảnh: Vietnamnet)

Củ đinh lăng giả thường được bày bán tràn lan, không có nguồn gốc rõ ràng. (Ảnh: Vietnamnet)

Kiểm tra xuất xứ

Ngoài những đặc điểm trên, lựa chọn và kiểm tra nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm cũng là cách tăng khả năng mua được củ đinh lăng thật.

Nên chọn mua ở những cửa hàng hoặc cơ sở uy tín, nơi có giấy chứng nhận nguồn gốc hoặc sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm. Những loại củ không rõ nguồn gốc thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chẳng những không có hiệu quả sử dụng mà còn có thể gây hại.

Mai Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-phan-biet-cu-dinh-lang-that-gia-ar911056.html
Zalo